Xóm kiệu ngày Tết

Cập nhật ngày: 09/02/2021 09:34:31

ĐTO - Những ngày gần Tết, không khí trên cánh đồng kiệu ở xã Phú Hiệp (huyện Tam Nông) và Hội An Đông (huyện Lấp Vò) thêm rộn ràng, bởi hàng trăm hộ dân đang tất bật vào mùa thu hoạch kiệu Tết.


Nông dân chăm sóc ruộng kiệu

Chúng tôi vừa chạy xe máy đến đầu ấp thuộc xã Phú Hiệp, mũi cảm giác được mùi đặc trưng của xóm kiệu ngày Tết. Nắng sáng vừa lên, hương nồng của kiệu quyện vào trong gió, tạo nên mùi thơm phảng phất như níu chân tôi lại. Tôi dừng xe, đi vào tham quan xóm kiệu ngày Tết ở xã Phú Hiệp - đây là 1 trong 2 địa phương có diện tích trồng kiệu lớn nhất tỉnh Đồng Tháp. Xa xa, các dì, các chị đang tất bật lặt từng củ kiệu chuẩn bị chế biến ra sản phẩm từ kiệu để phục vụ thị trường Tết Tân Sửu. Không biết cây kiệu đã bén rễ ở vùng đất nơi này từ khi nào và rồi trở thành thương hiệu có tiếng ở Đất Sen hồng Đồng Tháp. Người nông dân trồng kiệu ở Phú Hiệp, Hội An Đông và các xã lân cận vô cùng phấn khởi bởi kiệu Đồng Tháp đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa với các sản phẩm: củ kiệu khô, củ kiệu chua ngọt, củ kiệu tươi... mở ra hướng đi mới cho cây kiệu.


Lặt củ kiệu chuẩn bị đón Tết

Từ lâu, củ kiệu không thể thiếu trong chế biến ẩm thực thường ngày hoặc những ngày Tết của nhiều gia đình ở miền Tây Nam bộ. Cứ mỗi độ sắp đến Tết là các dì, các chị ở xóm kiệu quây quần ngồi xúm xít lặt từng củ kiệu để làm dưa phục vụ thị trường Tết. Củ kiệu làm dưa ăn có vị chua chua, ngọt ngọt, chút nồng của kiệu quyện với vị cay the the của ớt. Bà Phan Thị Thụm là một trong những chủ hộ kinh doanh kiệu ở xã Phú Hiệp chia sẻ: “Củ kiệu lặt xong, rửa sạch, mang đi ướp với giấm, đường cát trắng, cho thêm chút ớt. Sau đó, ủ vài bữa là có thể ăn được. Trong mỗi gia đình, ngày Tết thì không thể thiếu dưa kiệu ăn kèm với thịt kho”.


Dưa kiệu thành phẩm

Dưa kiệu là món ăn đơn giản, ít khi thiếu trong nhiều gia đình ở miền Tây. Ở quê tôi, hễ ngày Tết mà không thấy dưa kiệu chuẩn bị để sẵn trong nhà là có người nhắc liền, nhất là đấng mày râu hay dùng làm mồi nhấm để nhẩn nha vài ly rượu, bia với khách ngày Xuân. Nhiều người cho biết, ngày Tết thưởng thức món dưa kiệu ăn kèm với thịt kho tàu thì hấp dẫn đến khó mà diễn tả được. Món ăn tuy đơn giản nhưng nhắc nhớ nhiều người xa quê, Tết phải tranh thủ về với gia đình để được thưởng thức món dưa kiệu tự tay người thân làm ra và kèm theo một nồi thịt kho hột vịt.

Vào những ngày gần Tết, xóm kiệu ở 2 xã Phú Hiệp, Hội An Đông lại tất bật với công việc chế biến để tạo ra nhiều sản phẩm kiệu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Không khí ngày Tết ở xóm kiệu luôn rôm rả tiếng nói, tiếng cười, những lời đùa vui của những phụ nữ ngồi lặt kiệu đã làm hương vị ngày cận Tết thêm rộn ràng. Nhắc đến củ kiệu sẽ làm nhiều người cảm thấy thèm ăn các món chế biến từ kiệu như: củ kiệu xào thịt bò, củ kiệu xào ếch, củ kiệu xào chuột... có người còn biến tấu củ kiệu nấu canh chua.


Sản phẩm kiệu được bày bán quanh năm

Chị Trần Kim Chi ở xã Hội An Đông cho biết: “Củ kiệu tươi chế biến thành món gì ăn cũng cảm thấy ngon miệng. Không tin thì anh mua 1kg củ kiệu tươi về xào với thịt bò ăn thử sẽ ghiền cho mà xem”. Sự thú vị trong cách biến tấu củ kiệu thành món ăn của cư dân miệt sông nước Cửu Long đã làm cho du khách khắp nơi mỗi khi có dịp về miền Tây đều muốn thưởng thức cho bằng được các món ăn chế biến từ củ kiệu. Nhiều du khách khi đến Đồng Tháp đều muốn đến tham quan xóm kiệu ở xã Hội An Đông hay Phú Hiệp. Ông Võ Văn Nghĩa - công chức phụ trách nông nghiệp của xã Phú Hiệp cho biết: “Không chỉ nông dân trong xã Phú Hiệp trồng kiệu tại địa phương mà nhiều người còn đến các xã lân cận như: Phú Cường, Phú Thọ, Phú Đức thuê đất trồng kiệu. Tổng diện tích trồng kiệu của nông dân xã Phú Hiệp khoảng 15ha. Trên địa bàn xã có 3 cơ sở chế biến dưa kiệu là Thanh Long, Tân Quyến, Thành Công 2. Du khách ở xa thường ghé tham quan, mua dưa kiệu về làm quà”.


Trồng kiệu mang lại giá trị kinh tế cho nông dân

Cây kiệu ở Đồng Tháp có lúc thăng trầm do bị rớt giá thê thảm nhưng người nông dân vẫn quyết tâm giữ lấy cây kiệu của quê hương và đã góp phần đưa cây kiệu mang lại giá trị kinh tế và thương hiệu như hôm nay. Cây kiệu đã gắn bó với đời sống của người nông dân và giúp họ vượt khó, làm giàu. Theo UBND xã Hội An Đông, toàn xã có gần 100 hộ tham gia trồng kiệu với tổng diện tích khoảng 45ha, chủ yếu trồng để bán kiệu Tết. Từ khi kiệu được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa cho đến nay, nông dân trồng kiệu vô cùng phấn khởi, đời sống được nâng lên do giá trị kinh tế của cây kiệu mang lại. Ngoài trồng kiệu để bán kiệu tươi, nông dân còn chế biến dưa kiệu đóng hộp để cung ứng cho thị trường. Những ngày cận Tết, các cơ sở sản xuất kiệu ở Phú Hiệp, Hội An Đông tất bật với việc sản xuất kiệu để kịp cung ứng đủ số lượng cho thị trường.

Một mùa Xuân mới đang về, xóm kiệu ngày gần Tết lại tất bật, nhộn nhịp với công việc chế biến sản phẩm kiệu để phục vụ người tiêu dùng đón Xuân sum vầy.

Dương Út

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn