Những thanh niên giàu nghị lực

Cập nhật ngày: 04/04/2018 09:49:32

ĐTO - Trong cuộc sống, có những người kém may mắn, khi sinh ra không được khỏe mạnh, vừa lọt lòng mẹ đã mang khiếm khuyết trên cơ thể. Song, bằng ý chí và nghị lực phi thường, nhiều thanh niên khuyết tật vẫn nỗ lực vươn lên, sống hữu ích cho gia đình và xã hội.

Hồ Quốc Mạnh: “Đứng vững” trên đôi chân tật nguyền


Anh Hồ Quốc Mạnh

Anh Hồ Quốc Mạnh (SN 1986) ở ấp An Hòa, xã Định An, huyện Lấp Vò, sinh ra trong gia đình nông dân nghèo. Lúc 3 tuổi, sau cơn sốt quái ác, Mạnh bị liệt hai chân, không thể đi đứng. Từ nhỏ, anh ý thức được tầm quan trọng của việc học, nhất là đối với người khuyết tật. Suốt các năm học phổ thông, Mạnh đều đạt học sinh giỏi. Năm 2005, anh thi đậu cả 2 trường đại học: ngành Công nghệ hóa Trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh (được 20 điểm) và ngành Công nghệ thông tin Trường Đại học Cần Thơ (24,5 điểm) nhưng anh chọn học ngành Công nghệ thông tin.

Tuy đi lại khó khăn nhưng Mạnh vẫn tham gia nhiều hoạt động của Trường Đại học Cần Thơ. Anh từng là Chi hội trưởng Chi hội sinh viên Lấp Vò; là một trong những thành viên sáng lập Câu lạc bộ (CLB) Sinh viên khuyết tật Đại học Cần Thơ và giữ vai trò Chủ nhiệm CLB. Anh vượt qua bệnh tật bản thân, sống tự lập trong suốt 4 năm đại học và tốt nghiệp với tấm bằng loại khá. Sau đó, anh tiếp tục học và hoàn thành chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Hệ thống thông tin. Qua bao khó khăn, anh Hồ Quốc Mạnh đã trở thành giảng viên Trường Đại học Võ Trường Toản và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Anh vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo anh Hồ Quốc Mạnh, nhận thức được hoàn cảnh nghèo khó của gia đình, bản thân tật nguyền, chỉ có học tập mới là con đường duy nhất dẫn đến thành công cho tương lai. Vì vậy, anh quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành một kỹ sư Tin học. Có đôi lúc, anh cũng nản lòng trước những nghịch cảnh của số phận, chính tình thương của người thân là động lực để anh vượt qua mọi trở ngại.

Phạm Thị Bích Ngân: Cô gái giàu nghị lực


Em Phạm Thị Bích Ngân

Phạm Thị Bích Ngân (SN 1995) ngụ ấp 3, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh bị khuyết tật bẩm sinh ở tay phải. Cánh tay và bàn tay phải của em không phát triển bình thường, không thể cầm nắm được. Mọi hoạt động phục vụ cho việc học, sinh hoạt... gần như em chỉ sử dụng tay trái. Ngân chia sẻ: “Kinh tế gia đình em rất khó khăn, không có đất sản xuất, cha mẹ làm thuê nuôi 2 chị em. Dù tay bị tật nhưng đáp lại sự yêu thương, kỳ vọng của cha mẹ, suốt thời gian qua, em cố gắng học tập”. Cô gái khuyết tật Phạm Thị Bích Ngân vừa tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Quản lý văn hóa của Trường Đại học Đồng Tháp. Hiện Ngân làm việc cho một công ty hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, sản xuất game, phần mềm ở TP.Hồ Chí Minh với thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng.

Trong thời gian là sinh viên, ngoài giờ học, Ngân tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên trường tổ chức. “Qua các hoạt động tình nguyện giúp em tự tin hơn trong giao tiếp, học được nhiều kinh nghiệm sống. Em từng giữ vai trò Phó Chủ nhiệm và Chủ nhiệm CLB Chung sức của Trường Đại học Đồng Tháp. CLB tập hợp một số bạn đoàn viên, thanh niên tham gia hoạt động giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nhất là người khuyết tật” - Ngân cho biết. Em nhiều lần đạt danh hiệu “Sinh viên xuất sắc” trong phong trào thi đua của Trường Đại học Đồng Tháp; nhận nhiều Giấy khen do có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên...

Phan Trung Mẫn: Mọi việc đều có thể thực hiện được nếu quyết tâm


Anh Phan Trung Mẫn

Với niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ, anh Phan Trung Mẫn (SN 1987) ngụ ấp ấp 3, xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh quyết tâm học tập và đã trở thành một nhạc công, giáo viên dạy nhạc (chuyên về đàn organ, piano). Nghe anh kể quá trình học đàn của mình, chúng tôi thật sự nể phục nghị lực vượt khó của một người bị cận thị nặng bẩm sinh như anh. Đã qua nhiều lần phẫu thuật nhưng mắt anh vẫn không nhìn rõ. Từ 10 tuổi, anh Mẫn đã theo học đàn organ và piano. Nhờ tích cực học hỏi, tập luyện nên anh tiến bộ rõ rệt. Chỉ sau vài năm, anh kiếm được thu nhập từ việc chơi nhạc tại các đám tiệc, tụ điểm hát với nhau. Vừa đi làm, vừa tự tìm tòi, học tập nên kiến thức về đàn organ và piano của anh khá sâu.

Mắt không nhìn rõ nên trong quá trình học đàn, anh Mẫn gặp vô vàn khó khăn. Chính nghị lực và lòng đam mê đã giúp anh vượt qua tất cả và hiện thực hóa ước mơ của mình. Anh đầu tư xây dựng phòng thu âm nhạc và mở lớp dạy đàn tại nhà. Thời gian qua, hơn 100 lượt học viên ở tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long theo học đàn với anh. Anh có thu nhập từ 3 - 15 triệu đồng/tháng từ nghề nhạc công và dạy đàn. “Nếu mình buồn hay vui thì cũng qua một ngày. Vậy nên, mình hãy sống lạc quan, vui vẻ, làm những việc hữu ích cho gia đình, xã hội để cuộc sống ý nghĩa hơn. Mọi việc đều có thể thực hiện được nếu chúng ta có quyết tâm, đam mê” - anh Mẫn tâm sự.

Anh Hồ Quốc Mạnh, Phan Trung Mẫn và em Phạm Thị Bích Ngân là những thanh niên tiêu biểu, được tuyên dương, khen thưởng trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Đất Sen hồng” năm 2017. Họ là những tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, nghị lực vươn lên trong cuộc sống cho các thế hệ trẻ của tỉnh nhà học tập.

NHỰT AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn