Niềm tin thoát nghèo
Cập nhật ngày: 28/07/2014 05:31:01
Cùng với xã Hòa An (TP.Cao Lãnh), xã Tân Nghĩa (huyện Cao Lãnh) được tỉnh chọn thực hiện Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2014 - 2015”. Hơn 1 tháng triển khai, dù hiệu quả chưa thể hiện rõ ràng, nhưng những hộ nghèo trực tiếp tham gia dự án đang có niềm tin lớn vào cơ hội thoát nghèo với số tiền được hỗ trợ.
Theo chị Trần Thị Thanh Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa, xã hiện có 179 hộ nghèo, chiếm 7,03% số hộ dân trong xã. Các hộ này sống chủ yếu bằng nghề làm thuê, mướn nên thu nhập không ổn định. Đa số các hộ điều chí thú làm ăn và có nguyện vọng vươn lên thoát nghèo, nhưng cái khó là không có đất sản xuất và thiếu vốn. Nắm bắt được tình hình, Ban Chỉ đạo giảm nghèo của xã đã tiến hành bình xét và chọn được 9 hộ tham gia dự án với tổng kinh phí thực hiện là 200 triệu đồng (14 con bò). Dự án này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các hộ nghèo, giúp họ cải thiện đời sống, góp phần đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững của địa phương.
Anh Lê Đức Dũng quyết tâm thoát nghèo khi được tham gia dự án
“Do địa bàn là xã nông nghiệp nên lượng rơm sau khi thu hoạch lúa, công thêm nguồn cỏ dồi dào rất thuận lợi cho việc chăn nuôi bò. Người dân cũng có thể tận dụng bờ bao xung quanh nhà để trồng thêm cỏ tạo nguồn thức ăn. Đặc biệt, để hỗ trợ người dân trong suốt thời gian tham gia dự án, xã thường xuyên cử cán bộ thú y đến từng hộ nuôi để kiểm tra sức khỏe, tiêm ngừa và theo dõi quá trình tăng trưởng của bò. Ngoài ra, xã còn tổ chức các đợt tập huấn để cung cấp các kiến thức cơ bản về chăn nuôi bò cho các hộ tham gia dự án.” - Chị Trần Thị Thanh Thảo cho hay.
Gia đình anh Trần Văn Sang (SN 1974, ấp 3, xã Tân Nghĩa) với 5 nhân khẩu. Các con anh đều còn nhỏ chưa phụ giúp được cho gia đình. Nhà không có đất sản xuất nên mọi chi phí trong nhà phải phụ thuộc vào tiền anh làm hồ, vác đất. Chị Nguyễn Thị Lệ - vợ anh cũng tranh thủ ra chợ mua bán mỗi ngày nhưng cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng nên cuộc sống rất khó khăn. Từ khi được chính quyền địa phương bính xét cho tham gia dự án và được hỗ trợ 2 con bò, vợ chồng anh Sang quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Anh Sang tâm sự: “Từ ngày nhận bò đến nay, vợ chồng tôi rất phấn khởi. Do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi bò, nên tôi thường đến các hộ nuôi lâu năm để học tập. Hằng ngày, ngoài việc chăn dắt, cắt cỏ cho bò, tôi cũng tranh thủ làm thuê để trang trải cuộc sống. Hiện tại, cặp bò của vợ chồng tôi đang phát triển tốt”.
Đã từng có kinh nghiệm nuôi bò, nên khi được xã chọn tham gia dự án, anh Lê Đức Dũng ngụ ấp 2 mạnh dạn đề đạt nguyện vọng muốn được nuôi 1 cặp bò. Anh Dũng cho biết: “Năm 2013, vợ chồng tôi được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho vay 15 triệu đồng nên quyết định mua 1 con bò về nuôi vỗ béo. Sau 9 tháng nuôi, vợ chồng tôi bán bò để hoàn vốn vay và còn lãi gần 9 triệu đồng nên mua thêm một con bò khác. Nuôi bò chủ yếu bỏ công làm lời, bò cũng ít bệnh tật, nếu chăm sóc kỹ lưỡng sẽ cho lợi nhuận cao. Vì vậy, tham gia dự án lần này và được hỗ trợ 1 cặp bò, vợ chồng tôi có niềm tin sẽ thoát nghèo.”
Theo ông Trần Minh Hồng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, mục tiêu của dự án là hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp nhằm giúp cho hộ nghèo có kế hoạch, phương án phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo bền vững. Theo đó, từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, mỗi hộ được hỗ trợ vay 15 triệu đồng/con bò, lãi suất 0,5%/tháng, thời hạn hoàn vốn và lãi là 13 tháng. Tuy nhiên, để dự án mang lại hiệu quả mong muốn, đòi hỏi chính quyền các xã cần phải quan tâm, theo dõi các hộ chăn nuôi. Trong đó, chú ý khâu xây dựng chuồng trại, đồng thời thường xuyên cử cán bộ thú y đến tư vấn cách nuôi cho bà con
Phước Lộc