Xóa bỏ tâm lý “chê” học nghề, việc làm của người lao động
Cập nhật ngày: 25/06/2014 05:05:15
Tạo điều kiện cho người lao động được học nghề, có việc làm là chủ trương của UBND tỉnh, nhiệm vụ của ngành lao động thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), chính quyền địa phương. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, một số người lao động chưa đồng hành cùng với chính quyền trong việc tham gia học nghề, tìm việc làm, thậm chí “chê” việc làm, chấp nhận thất nghiệp với lý do thu nhập thấp, không muốn đi làm việc ở xa...
Sau nhiều tháng khảo sát trực tiếp tại địa phương, Sở LĐ-TB&XH trong cuộc họp về công tác đào tạo nghề, việc làm cuối năm 2013 đánh giá: một số địa phương vẫn còn có nhu cầu “ảo” học nghề, việc làm. Thực tế cho thấy, nhiều thanh niên khi gặp gỡ tiếp xúc với lãnh đạo sở, ngành, đơn vị thì bày tỏ mong muốn có việc làm. Nhưng khi Sở LĐ-TB&XH đến ghi nhận thông tin để tư vấn, giới thiệu việc làm thì chỉ có vài thanh niên tham gia. Họ cho biết không muốn đi làm xa, chỉ muốn tìm được việc làm tại địa phương và có thu nhập cao?!. Trong khi đó, hạ tầng cơ sở, quy mô phát triển công nghiệp của địa phương khó đáp ứng.
Học sinh (HS) có tâm lý thích vào đại học, không thích vào học trường nghề cũng phổ biến, thông thường các trường nghề thường tuyển sinh sau, chờ “vớt”những thí sinh rớt đại học, cao đẳng. Và khi đã vào trường cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề các học sinh, sinh viên (HSSV) vẫn có ý định bỏ học nửa chừng để theo đuổi mục tiêu khác. Theo thống kê từ Sở LĐ-TB&XH, số HSSV bỏ học nghề chiếm tỷ lệ 13% trong năm 2013.
Với những lý do trên, không dễ dàng để hoàn thành mục tiêu tuyển sinh mới hơn 4.000 HSSV mỗi năm, nâng số lao động được đào tạo nghề 20.000 người/năm, số lao động được giải quyết việc làm chiếm 70% trong tổng số lao động được đào tạo nghề. Phương án được Sở LĐ-TB&XH đặt ra là giao chỉ tiêu cho các đơn vị, thành lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác tuyển sinh, mở các lớp nghề theo nhu cầu tại địa phương; liên kết với các doanh nghiệp đào tạo nghề theo địa chỉ. Các trung tâm, trường đào tạo nghề cũng có những giải pháp riêng. Đáng chú ý là hoạt động tư vấn trực tiếp tại các đơn vị trường như đến tận nhà vận động HS, phụ huynh cho con em học nghề thay vì tiếp tục ôn thi đại học, cao đẳng. Mở hội thảo hướng nghiệp, phân luồng HS tại các địa phương; cán bộ tư vấn của Trung tâm giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề chủ động nắm danh sách HS lớp 9 thi rớt lớp 10, HS lớp 12 thi rớt đại học, cao đẳng để vận động các em tham gia học nghề thay vì nghỉ học.
C.P