Xã An Nhơn
Phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới
Cập nhật ngày: 06/12/2013 05:36:28
Tuy không phải xã điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhưng thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền xã An Nhơn (huyện Châu Thành) luôn tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế gắn với XDNTM. Nhờ đó, từ một xã nông nghiệp, An Nhơn đang “thay da, đổi thịt” từng ngày. Đến nay xã đã hoàn thành 10/19 tiêu chí XDNTM.
Nhân dân đóng góp xây dựng cầu Dầu ấp Tân Thạnh, kinh phí
trên 300 triệu đồng
Xác định thế mạnh kinh tế nông nghiệp là thủy sản và cây ăn trái, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã xây dựng các nghị quyết về phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Năm 2013, xã thực hiện đạt và vượt 26/27 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc mở rộng diện tích ao nuôi, xã thành lập được Chi hội thủy sản và Câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản, thu hút hàng chục hộ nuôi cá tham gia. Các thành viên có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm; từng bước vận động người dân thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP.
Năm nay, diện tích nuôi thủy sản của xã (chủ yếu là các loài cá da trơn) khoảng 360ha; tổng sản lượng thu hoạch gần 55.000 tấn. Khi dịch bệnh chổi rồng hoành hành trên nhãn, lãnh đạo địa phương đã năng động tìm ra hướng đi mới cho giống cây này. Xã khuyến khích nông dân cải tạo lại diện tích có thể phục hồi; đồng thời mạnh dạn chuyển đổi sang trồng nhãn edor vì có tính kháng nhẹ với bệnh chổi rồng, giá bán lại khá cao. Toàn xã đã chuyển sang trồng nhãn edor khoảng 480ha, giá bán 30.000 - 40.000 đồng/kg. Sau khoảng 2 năm điêu đứng vì bị bệnh chổi rồng, giờ đây người trồng nhãn ở An Nhơn đã dần vượt qua khó khăn.
Địa phương còn quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Hai năm qua, xã đã phối hợp mở 8 lớp dạy nghề nông thôn, có gần 200 người tham gia. Các học viên có việc làm tương đối ổn định, tăng thu nhập cho gia đình. Từ đầu năm tới nay, hơn 400 lao động được giải quyết việc làm. Hộ nghèo còn được tạo điều kiện vay vốn làm ăn, xây dựng nhà tình thương... Hiện tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 93%; hộ nghèo của xã còn 4,4%, giảm gần 2% so với năm trước; hộ khá giàu chiếm khoảng 44%. Bà Lê Thị Ngọc Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã An Nhơn chia sẻ: Là xã nông nghiệp, để nâng cao thu nhập của người dân khi triển khai XDNTM, xã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, giá trị kinh tế trên cùng diện tích canh tác. Nhờ nghề nuôi thủy sản và trồng nhãn..., tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.
Khi đời sống của người dân ngày càng được nâng cao thì việc huy động nguồn lực tại chỗ XDNTM cũng thuận lợi hơn. Từ năm 2012 đến nay, thông qua phong trào “Chung sức XDNTM”, xã An Nhơn đã bắc được 20 cây cầu bêtông; xây dựng mới và sửa chữa trên 12km đường giao thông nông thôn... Tổng kinh phí các công trình hơn 2,6 tỷ đồng (chưa kể trên 2.500 ngày công lao động của nhân dân), trong đó công ty, doanh nghiệp và người dân đóng góp gần 2,3 tỷ đồng. UBND xã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vận động được trên 1,6 tỷ đồng để xây dựng 57 căn nhà cho hộ nghèo; xây mới và nâng cấp nhiều cống, đập, ô bao... với tổng chiều dài khoảng 6km. Cùng với đó, phong trào văn hóa, y tế, giáo dục cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Hàng năm, hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa chiếm hơn 85%; huy động học sinh đến trường đạt 100%, chất lượng giáo dục các cấp học không ngừng được nâng lên; khoảng 99% hộ dân sử dụng nước sạch.
Những nỗ lực phát triển kinh tế của từng hộ gia đình và phong trào XDNTM đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo vùng quê An Nhơn. Hy vọng trong tương lai không xa, Đảng bộ, chính quyền An Nhơn sẽ lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân hoàn thành các tiêu chí còn lại để trở thành xã nông thôn mới.
Nhựt An