Phòng, chống cúm gia cầm tại cộng đồng

Cập nhật ngày: 03/03/2014 04:43:40

Hiện nay, ở nước ta cúm gia cầm H5N1 đang diễn biến phức tạp và đang đứng trước nguy cơ lây nhiễm cao vi rút cúm gia cầm H7N9 từ Trung Quốc, nên tăng cường các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm tại cộng đồng là rất cần thiết.

Vi rút cúm A(H5N1) ở người hiện nay là từ vi rút cúm A(H5N1) ở gia cầm lây cho người, chưa có cúm A(H5N1) lây từ người sang người. Triệu chứng cúm A(H5N1) ở người là sốt trên 38oC, kèm với các triệu chứng khác của bệnh cúm, ho khan, đau ngực, khó thở (khó thở tiến triển rất nhanh), suy hô hấp, sốc nhiễm trùng và có thể suy đa phủ tạng kèm rối loạn ý thức dẫn đến tử vong,...

Cúm A(H5N1) xâm nhập vào người do tiếp xúc trực tiếp với vi rút cúm A(H5N1) từ các hạt bụi có trong dớt dãi, dịch tiết hoặc phân của gia cầm bị bệnh được thải vào không khí, dính vào quần áo, dụng cụ chăn nuôi, dụng cụ vận chuyển và đôi bàn tay của người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ gia cầm không được rửa kỹ sẽ làm lây bệnh sang người. Vi rút cúm A(H5N1) có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống như ăn phải gia cầm và các sản phẩm gia cầm bị bệnh, ăn tiết canh gia cầm, vệ sinh cá nhân không tốt, bàn tay không sạch,...

Để phòng, chống cúm A(H5N1) cần thực hiện biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống như: rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn, trước và sau khi tiếp xúc với gia cầm, sau khi đi vệ sinh; đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày; không sử dụng thịt và các sản phẩm gia cầm, thủy cầm mắc bệnh; chỉ ăn thịt, sản phẩm gia cầm, thủy cầm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và nấu chín kỹ; không ăn tiết canh gia cầm. Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh: người bệnh, gia cầm, thủy cầm bị bệnh; khi tiếp xúc với người bệnh, gia cầm, thủy cầm mắc bệnh phải đeo khẩu trang, kính, quần áo bảo hộ, ủng, găng tay; những người mắc bệnh mãn tính, trẻ em dễ có nguy cơ mắc bệnh cúm, không tiếp xúc với nguồn bệnh. Tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý; những người thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh, làm việc ở những nơi có dịch cúm cần thực hiện triệt để các biện pháp phòng hộ cá nhân. Khi có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp, sốt cao liên tục trên 38oC, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, ho, đau họng cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.

Bệnh cúm A(H7N9) do nhiễm vi rút cúm(H7N9) có nguồn gốc từ gia cầm. Hầu hết các bệnh nhân nhiễm vi rút cúm A(H7N9) đều bị viêm phổi nặng. Các triệu chứng bao gồm sốt, ho và khó thở. Tuy nhiên, những thông tin đầy đủ về mức độ bệnh do nhiễm vi rút cúm A(H7N9) gây ra vẫn còn hạn chế. Hiện chưa có thuốc điều trị và vắc-xin phòng, chống cúm A(H7N9) và cũng chưa có bằng chứng vi rút này lây truyền từ người sang người trong số những người tiếp xúc hoặc giữa các ca bệnh đã được xác định.

Để phòng, chống cúm A(H7N9), cộng đồng cần thực hiện các biên pháp như: thường xuyên rửa tay với xà phòng, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với gia cầm và người bệnh; không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm; khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền, cán bộ thú y địa phương; khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời; người tới từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biên pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn