Phương tiện khai thác thủy sản trái phép hoạt động gây bức xúc trong nhân dân
Cập nhật ngày: 03/10/2014 04:47:42
Hàng năm mỗi khi lũ về là điều kiện thuận lợi để người dân khai thác thủy sản, có thêm thu nhập. Tuy nhiên hiện có một số hộ dân thiếu ý thức đã sử dụng các phương tiện như: ghe cào, ghe ủi và một số ngư cụ có sử dụng xung điện, mắc lưới kích cỡ nhỏ hơn so với quy định để khai thác thủy sản. Chính cách làm này đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên và gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc mưu sinh của các ngư dân khác.
Ông Nguyễn Văn Dừng ở xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự cho biết, thời gian đầu, khi nước mới vừa đổ về, các phương tiện ghe cào, ủi chưa hoạt động, mỗi ngày có thể giăng lưới được từ 10kg - 15kg cá, trừ các khoản chi phí, thu nhập trung bình từ 150.000 đồng - 200.000 đồng/ngày. Còn hiện nay các đối tượng ghe cào, ủi hoạt động xuyên suốt, mỗi ngày ông giăng lưới chỉ đủ cá để ăn, vừa phải lo sợ các ghe cào, ghe ủi hoạt động ngay luồng là coi như mất lưới.
Anh Nguyễn Văn Phót ngụ xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự cũng cho biết, những mùa trước, khi các phương tiện ghe cào, ghe ủi ít hoạt động, với khoảng 100 cái lọp, mỗi ngày anh có thể đặt được từ 2 - 3kg tôm, thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày, còn năm nay mặc dù số lượng lọp tăng lên gần gấp đôi nhưng lượng tôm thu được khá thấp, việc đặt lọp cũng không được thuận lợi như trước.
Thời gian qua, lực lượng chức năng thị xã cũng đã phối hợp với lực lượng Công an các xã, phường thường xuyên tổ chức ra quân truy quét các phương tiện, dụng cụ khai thác thủy sản trái phép, mang tính hủy diệt, đã phát hiện và bắt giữ gần chục phương tiện, nhiều mô-tơ điện, bình ắc quy, lưới có kích cỡ nhỏ hơn so với quy định,... Tuy nhiên với những thủ đoạn tinh vi, các đối tượng này vẫn cứ hoạt động. Nói về công tác này, ông Phạm Minh Chí - Trưởng Trạm thủy sản thị xã Hồng Ngự cho biết: “Công tác này ngày càng phức tạp do các nhóm ghe cào theo dõi thường xuyên các cán bộ trong Trạm để tránh né, không khai thác. Cái khó là Nghị định 103 quy định chỉ xử lý những phương tiện vận chuyển dụng cụ khai thác bằng xung điện, chứ không xử lý việc tàng trữ xung điện trên ghe tàu đang đậu. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kết hợp với Công an thị xã và Công an các xã, phường quyết liệt đấu tranh, nhờ Thanh tra chi Cục thủy sản lên tiếp ứng và bố trí lực lượng ở cơ sở theo dõi thường xuyên các đối tượng này để giúp bà con sống bằng nghề câu lưới an tâm hơn”.
Hoàng Phương