Đồng Tháp

Quyết tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Cập nhật ngày: 04/02/2022 16:50:59

ĐTO - Xác định con người là trung tâm của mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Đồng Tháp, tạo nền móng cho sự phát triển bền vững trong giai đoạn mới.


Niềm vui tốt nghiệp. 
Ảnh: Minh Vũ

ĐIỂM SÁNG TRONG PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện với nhiều nội dung mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể ở mỗi giai đoạn; giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương cụ thể hóa từng lĩnh vực khác nhau. Qua đó, việc triển khai thực hiện nghị quyết đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC), lực lượng lao động xã hội về công tác đào tạo, bồi dưỡng, học nghề; nhận thức của người dân đối với giáo dục - đào tạo và học nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực theo nhu cầu bản thân và thực tế xã hội...

Một số kết quả đáng phấn khởi đạt được qua 5 năm thực hiện Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực là tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% (tăng gần 12% so với năm 2016), trong đó, tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 50% (tăng 8%). Kết quả thực hiện mục tiêu Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016-2020, tổng số lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp (dưới 3 tháng) hơn 9.300 người, có hơn 7.700 người đã học xong và được cấp chứng chỉ, trong đó có việc làm đạt hơn 99%; hầu hết lao động được đào tạo nghề (ngắn hạn) đều có việc làm ổn định. Đây có thể nói là hiệu quả rất tích cực, đáng mừng.

Đối với ngành giáo dục và đào tạo, mạng lưới trường lớp học được đầu tư bao phủ cả tỉnh (trong đó có đầu tư từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa) đây là điều kiện tiên quyết cho nâng cao chất lượng dạy và học. Đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo được đào tạo đạt chuẩn theo quy định đáp ứng nhu cầu giảng dạy cho học sinh, sinh viên, người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đội ngũ cán bộ y tế tỉnh được đào tạo cơ bản đảm bảo về số lượng và trình độ chuyên môn; một số chỉ số về nhân lực y tế đạt được ở mức khá cao, bình quân có hơn 43 cán bộ y tế/1 vạn dân; 100% số Trạm Y tế xã, phường, thị trấn đảm bảo bố trí nhân lực đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế quy định.

Đối với ngành lao động - thương binh và xã hội, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp phân bổ đều ở các địa phương, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo được đầu tư đảm bảo dạy và học; tỷ lệ lao động qua đào tạo, đào tạo nghề ổn định theo chỉ tiêu kế hoạch hàng năm. Nổi bật nhất là từ năm 2016 đến nay, đào tạo lao động đi làm việc nước ngoài hiệu quả rất cao; tỷ lệ học sinh, sinh viên học trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm đạt khoảng 85%; đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt khoảng 80%; đối với đào tạo lao động theo đặt hàng của doanh nghiệp, chủ yếu các nghề như: chế biến và bảo quản thủy sản, may công nghiệp, sau đào tạo 100% người lao động được bố trí vào làm việc tại doanh nghiệp.

Đội ngũ CB,CC,VC đạt chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên được bồi dưỡng, cập nhật về kiến thức pháp luật, đạo đức công vụ, kiến thức kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân. Công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ CB,CC,VC được quan tâm, nội dung ngày càng có chiều sâu gắn với vị trí việc làm, ý thức tự giác học tập nâng cao trình độ CB,CC,VC ngày càng được nâng lên...

PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

Qua kết quả đạt được trong triển khai thực hiện chủ trương phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và các địa phương đều có ý kiến thống nhất là cần tiếp tục có chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho giai đoạn mới; có chính sách khuyến khích đội ngũ CB,CC,VC, người lao động tự học tập nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu, trong thời gian tới, cần dự báo tốt về phát triển nhân lực đối với các ngành hiếm, cần thiết, đáp ứng cho nhu cầu phát triển; nhất là các ngành nghề, dịch vụ thiết yếu để đáp ứng tốt cho nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, các ngành quan tâm chất lượng nguồn nhân lực để có thể cung cấp nguồn nhân lực tại địa phương đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực tư nhân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh trong giai đoạn mới 2021-2030, bà Đoàn Duy Thùy Ngạn -Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội cùng Đoàn khảo sát, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tại các địa phương và sở, ngành tỉnh đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị. Trong xu thế hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp tiên quyết hàng đầu trong việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Với đặc thù Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp chiếm 70%, do đó nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu; đồng thời cần quan tâm chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; đặc biệt là lực lượng lao động kỹ thuật nông nghiệp.

Song song đó, đánh giá khách quan thiết thực để xác định được nhu cầu đào tạo lao động xã hội; đảm bảo gắn kết nhu cầu đào tạo, đơn vị sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo để nguồn lực sau khi đào tạo được cung ứng một cách có hiệu quả nhất. Đồng thời lựa chọn, xác định cơ cấu ngành nghề để đào tạo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động; xác định thị trường lao động và dự báo ngành, nghề để đào tạo phù hợp phục vụ nhu cầu xã hội; phát huy đào tạo theo địa chỉ, đặt hàng; đào tạo lao động phù hợp các ngành nghề để phục vụ các đề án của tỉnh như phát triển du lịch, thương mại dịch vụ.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số, do đó cần đẩy mạnh việc đào tạo kỹ năng chuyển đổi số, công nghệ số cho lực lượng lao động, đội ngũ CB,CC,VC. Đồng thời có chính sách khuyến khích để thu hút nguồn lực chất lượng cao ở lĩnh vực giáo dục, y tế, công nghệ số,... đầu tư, nuôi dưỡng nguồn nhân lực (sinh viên tỉnh nhà) sau khi học tập ở những địa phương khác sẽ về phục vụ cho quê hương...

Một hành trình mới đã bắt đầu, với quyết tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, Đồng Tháp sẽ vững bước tiến lên, xây dựng Đất Sen hồng phát triển phồn thịnh bền vững trên chặng đường mới.

Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn