Tâm tình của cán bộ không chuyên trách

Cập nhật ngày: 09/08/2013 06:14:05

Không lương (chỉ hưởng phụ cấp), không bảo hiểm xã hội... Đây là những điều hết sức bất cập mà đội ngũ cán bộ không chuyên trách (KCT) xã, phường, thị trấn (cấp xã) đang phải chịu.

Theo Nghị định 92 của Chính Phủ về “Chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động KCT ở cấp xã”, thì những người hoạt động KCT (gồm các chức danh: phó các đoàn thể, phó công an - quân sự, cán bộ dân số - gia đình và trẻ em...) ở cấp xã chỉ được hưởng chế độ phụ cấp vỏn vẹn với hệ số 1.0 so với lương cơ bản (1.150.000 đồng).


Cán bộ không chuyên trách Phan Thị Tiền (người thứ 4 từ trái sang)
cùng thanh niên tình nguyện chằng néo lại nhà cửa cho dân

Là lực lượng gần sát với dân, giải quyết khá lớn khối lượng công việc ở cơ sở nhưng với chế độ như vậy thì những người này chưa thật sự an tâm công tác. Trước thực tế đó, ngày 17/8/2011 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 20 về việc sửa đổi bổ sung chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động KCT ở cấp xã và cán bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở khóm, ấp thuộc tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, những người hoạt động KCT cấp xã hàng tháng, ngoài mức phụ cấp hệ số 1.0 còn được trợ cấp thêm nếu có bằng cấp đào tạo.

Cụ thể: Nếu tốt nghiệp đại học thì được hỗ trợ 1.100.000 đồng/tháng; tốt nghiệp cao đẳng được hỗ trợ 900.000 đồng/tháng và tốt nghiệp trung cấp được hỗ trợ 700.000 đồng/tháng. Tuy được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ và tỉnh nhưng xem ra cuộc sống của cán bộ KCT vẫn chưa hết khó khăn trong thời bão giá.

Chị Nguyễn Thị Trang - Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy xã Bình Hàng Tây (huyện Cao Lãnh) cho biết, chị là cán bộ đã nhiều năm. Công việc của chị không khác gì những cán bộ khác: 8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần, thậm chí có lúc do yêu cầu công việc phải làm cả thứ bảy, chủ nhật. Làm việc như thế nhưng mỗi tháng chị được hưởng trợ cấp hệ số 1.0 và 1.100.000 đồng (có bằng đại học).

Chị Trang bộc bạch: “Bảo hiểm xã hội thì tôi không có, điều này đồng nghĩa với việc khi chia tay công việc của Nhà nước, tôi trở về với hai bàn tay trắng. Thấy tôi đi làm cực quá, người thân trong gia đình bảo nghỉ nhưng vì yêu công việc nên tôi không nỡ rời xa nó”.

Cùng chung tâm tư với chị Trang, chị Phan Thị Tiền - Phó Bí thư Đoàn xã Phú Hiệp (huyện Tam Nông) cho hay, ngoài làm việc tại trụ sở, chị phải đi xuống các ấp để dự sinh hoạt cùng với đoàn viên, thanh niên, tham gia các hoạt động của địa phương và huyện. Đi suốt ngày nhưng mỗi tháng chị chỉ được hưởng trợ cấp hệ số 1.0, cộng với 700 ngàn đồng (có bằng trung cấp). Chị Tiền nói: “Hàng tháng tôi vẫn phải xin thêm tiền gia đình để phục vụ cho công việc của mình”.

Anh Nguyễn Văn Lý - cán bộ văn phòng Đảng ủy xã Thông Bình (huyện Tân Hồng) tâm sự, nếu làm việc cho doanh nghiệp hay những chỗ khác, thu nhập mỗi tháng cũng vài triệu đồng. Nhưng vì muốn làm việc tại địa phương, vì truyền thống gia đình, anh chấp nhận thu nhập 1.850.000 đồng/tháng (có bằng trung cấp). Với mức thu nhập này chỉ đủ đổ xăng xe và một số khoản lặt vặt khác.

Ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND xã Tân Phú (huyện Thanh Bình) cho biết, đội ngũ CBKCT chiếm gần 50% tổng số cán bộ cấp xã, trong đó hầu hết là lãnh đạo của các tổ chức, cho nên họ có vị trí và trách nhiệm rất quan trọng đối với địa phương. Nhưng với chế độ chính sách như hiện nay chưa công bằng với sự cống hiến của họ cho công việc. Vì vậy, nhiều cán bộ dù rất đam mê công việc nhưng vì gánh nặng cơm, áo gia đình nên đành tìm việc làm khác có thu nhập cao hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Liếc - Bí thư Đảng ủy xã Phú Hiệp (huyện Tam Nông): Có rất nhiều vị trí KCT ở xã đòi hỏi cán bộ có năng lực, chuyên môn thì mới làm được. Tuy nhiên, chế độ chính sách còn bất cập như hiện nên nay khó thu hút được người có trình độ về cơ sở và quy hoạch, cử đi đào tạo đội ngũ cán bộ KCT.

Từ tháng 6/2013, Nghị định số 29/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành. Nghị định 29 có nhiều điểm mới, đặc biệt là hệ số phụ cấp cho cán bộ KCT tăng lên so mức lương tối thiểu chung, từ đó đời sống của CBKCT được giảm bớt phần nào khó khăn. Điều đó đã thể hiện sự quan tâm, nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước trong việc nâng cao thu nhập cho cán bộ KCT.

Nhựt An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn