Số trẻ em bị bệnh tiêu chảy tăng cao

Cập nhật ngày: 04/03/2016 13:03:55

Hiện nay thời tiết nắng nóng, tình hình bệnh tiêu chảy diễn biến phức tạp, số bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện (BV) Đa khoa khu vực (ĐKKV) Tháp Mười tăng so với cùng kỳ năm 2015.


Trẻ nhập viện do tiêu chảy tăng cao

Theo số liệu thống kê, trong 3 tuần đầu của tháng 2/2016 tại khoa nhiễm của BV đã tiếp nhận và điều trị trên 40 trường hợp trẻ mắc bệnh tiêu chảy cấp và tiêu chảy nhiễm trùng, đưa tổng số bệnh nhân mắc tiêu chảy phải nhập viện từ đầu năm 2016 đến nay lên 116 trường hợp, tăng 20 trường hợp so với cùng kỳ năm 2015 và đã có 1 trường hợp tử vong vì bệnh tiêu chảy.

Đa số bệnh nhân bị tiêu chảy là trẻ em dưới 3 tuổi nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng, tiêu chảy lỏng nhiều lần và nôn ói. Chị Nguyễn Thị Hồng Vân ở xã Mỹ Hòa có con là Nguyễn Đăng Khoa (4 tháng tuổi) bị bệnh tiêu chảy đang điều trị tại BV ĐKKV Tháp Mười cho biết, do không đủ sữa cho con bú nên từ nhỏ con chị đã uống sữa bình. Mấy ngày qua thấy cháu có hiện tượng nôn ói, đi tiêu nhiều lần trong ngày nên chị đã đưa đi khám tại các phòng khám tư và sau đó cho cháu nhập viện.

Tương tự, trường hợp của bé Thái Thị Khắc Huỳnh (5 tháng tuổi) - con của chị Võ Thị Thảo Ngân ở xã Mỹ Đông cũng phải nhập viện trong tình trạng sốt cao và tiêu chảy nhiều lần trong ngày. Sau khi nhập viện, được các bác sĩ điều trị, đến nay cháu đã khỏe trở lại.

 Bệnh tiêu chảy là bệnh truyền nhiễm từ đường tiêu hóa do nhiều nguyên nhân gây ra như: nhiễm vi khuẩn, nhiễm trùng, ký sinh trùng, rối loạn đường ruột. Do vậy nếu bảo quản thức ăn không hợp lý, ăn phải những đồ ăn đã bị nhiễm khuẩn hoặc vệ sinh cá nhân không tốt sẽ là nguyên nhân gián tiếp gây ra bệnh tiêu chảy.

Thời tiết nắng nóng, các loại thức ăn nếu bảo quản không tốt rất dễ bị nhiễm khuẩn, vì vậy các bậc phụ huynh nên chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những nguy cơ có thể gây bệnh cho trẻ. Bác sĩ CK1 Trần Tấn Phúc - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV ĐKKV Tháp Mười khuyến cáo: “Để phòng bệnh tiêu chảy cấp, quan trọng nhất là vấn đề vệ sinh ăn uống, nên ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ và cả người chăm sóc trẻ. Đối với trẻ bú bình thì nên vệ sinh bình sữa thật kỹ, phải lựa chọn những thức ăn đảm bảo nguồn gốc vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nếu trẻ mắc bệnh tiêu chảy thì nên cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, cho uống nhiều nước, trẻ bị sốt, bú kém, ăn kém thì nên đưa trẻ đến cơ sở khám chữa bệnh để điều trị kịp thời”

 Trước tình trạng bệnh tiêu chảy diễn biến phức tạp, các bậc phụ huynh cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế, đặc biệt lưu ý khi trẻ bệnh tuyệt đối không được tự ý cho trẻ dùng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng nhờn thuốc và khiến trẻ bệnh nặng thêm. Khi trẻ có những dấu hiệu nhiễm bệnh, cách tốt nhất là đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

NGUYỄN THU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn