Sự cần thiết của chế định Thừa phát lại

Cập nhật ngày: 04/05/2016 09:14:58

Chính phủ đã tổng kết việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) (thừa hành viên) (đầu tiên tại TP.Hồ Chí Minh từ năm 2009; đến năm 2013 thực hiện tại 13 tỉnh, thành, không có Đồng Tháp) và thấy rằng, việc thực hiện chế định TPL trong thời gian tới là rất cần thiết, nên đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 cho thực hiện chế định TPL trong phạm vi cả nước kể từ ngày 1/1/2016 và Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 14/1/2016 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13. Để triển khai thực hiện Kế hoạch số 101/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 22/2/2016 và hiện đang xây dựng Đề án thực hiện chế định TPL trên địa bàn tỉnh, trình Bộ Tư pháp. Sau khi Bộ Tư pháp phê duyệt, UBND tỉnh mới chính thức triển khai thực hiện chế định này tại địa phương.

TPL có quyền thực hiện các công việc như: thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc cơ quan Thi hành án (THA) dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự trừ việc thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng cơ quan THA dân sự chủ động ra quyết định THA. Xin nêu việc Văn phòng TPL có quyền thỏa thuận để tống đạt các văn bản của cơ quan THA dân sự tỉnh; cơ quan THA dân sự các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, TAND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Việc tống đạt văn bản của các cơ quan vừa nêu có thể thực hiện ngoài địa bàn tỉnh.

Theo Sở Tư pháp tỉnh, trong lĩnh vực xét xử, TAND tỉnh và TAND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã thụ lý giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, hành chính, lao động ngày một tăng với số lượng lớn, khoảng 9.415 vụ việc/năm. Theo quy định pháp luật và thực tiễn của công tác tố tụng, đối với việc giải quyết một vụ án thì Tòa án phải thực hiện tống đạt trung bình khoảng 6 loại giấy tờ, văn bản như: thông báo thụ lý vụ kiện, giấy mời lấy lời khai, quyết định khẩn cấp tạp thời, giấy triệu tập đương sự, quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định, bản án của Tòa án. Theo cách tính tối thiểu trung bình một vụ việc chỉ có hai 2 bên (nguyên đơn, bị đơn) thì trung bình một năm các cấp Tòa án trên địa bàn tỉnh phải tống đạt 112.980 văn bản, giấy tờ.

Trong lĩnh vực THA, bình quân mỗi năm các cơ quan THA trong tỉnh thụ lý giải quyết 18.658 vụ việc. Với mỗi loại vụ việc, Chấp hành viên phải tống đạt ít nhất 5 loại giấy tờ như: giấy báo tự nguyện THA, giấy mời, quyết định THA, biên bản tống đạt quyết định THA, thông báo kê biên tài sản, định giá tài sản... Như vậy, trung bình mỗi năm các cơ quan THA tỉnh Đồng Tháp phải tống đạt gần 100.000 văn bản, giấy tờ các loại.

Việc tống đạt giấy tờ, văn bản có liên quan đến việc xét xử và THA có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định của pháp luật. Như vậy, với việc giao TPL thực hiện tống đạt giấy tờ, văn bản đảm bảo tuân thủ chặt chẽ yêu cầu của thủ tục tố tụng, góp phần xác lập nề nếp trong việc xét xử của Tòa án và của cơ quan THA. Bên cạnh việc hỗ trợ hoạt động của các Tòa án, cơ quan THA, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thì việc TPL tống đạt giấy tờ còn giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

TN

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn