Tác động của kinh tế đến dân số

Cập nhật ngày: 04/08/2014 04:53:27

Phương thức sản xuất nông nghiệp lạc hậu đòi hỏi lực lượng lao động nhiều hơn so với phương thức lao động công nghiệp với yêu cầu chất lượng lao động cao. Trong xã hội thuần nông hay nghề nghiệp chủ yếu là nông, lâm, ngư nghiệp thì con cái, đặc biệt là con trai không những là lực lượng lao động chính của gia đình mà còn là người chăm sóc, bảo hiểm và bảo trợ cho cha mẹ lúc tuổi già, đã hết khả năng lao động và không có nguồn sống nào khác. Đặc trưng này dẫn đến nhu cầu phải có nhiều con, chủ yếu là con trai làm cho mức sinh cao, quy mô dân số lớn. Ngược lại, với nền xản xuất dựa trên cơ sở điện khí hóa, tự động hóa và trí thức, nhu cầu sinh nhiều thấp hơn nhiều và sự phân biệt giá trị con trai con gái cũng không còn như nhiều nước trên thế giới.

Các chính sách kinh tế và xã hội cũng có tác động rất lớn đến quá trình dân số. Chẳng hạn chế độ bao cấp trước đây dẫn đến tình trạng “vợ chồng sinh con, nhà nước nuôi”, do đó các cặp vợ chồng hay sinh nhiều con, mặc dù nhà nước vận động sinh đẻ có kế hoạch. Ngày nay, với cơ chế thị trường, chi phí nuôi, dạy, chữa bệnh, học nghề... cho con cái trở nên đắt đỏ hơn; Chính sách chia ruộng đất lâu dài và không điều chỉnh theo những biến động dân số và đặc biệt là khi Nhà nước ban hành Chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình làm cho các cặp vợ chồng phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định sinh thêm con. Kinh tế phát triển cùng với các thành tựu đạt được của y học hiện đại, góp phần giảm nhanh tỷ lệ tử vong của dân số nói chung và tử vong trẻ em nói riêng. Do vậy, các gia đình không phải đẻ bù và kết quả là giảm mức sinh nhanh chóng. Sự phát triển kinh tế nhanh và quá trình đô thị hóa nhanh chóng sẽ thu hút các dòng di dân từ nông thôn vào các thành phố và các khu công nghiệp cũng làm thay đổi cơ cấu dân số, bao gồm cả trình độ học vấn, làm thay đổi lối sống và giảm nhu cầu sinh con. Ngược lại, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, thu nhập thấp sẽ đẩy người lao động rời bỏ quê hương, di cư đi tìm miền đất mới hứa hẹn hơn.

Như vậy, kinh tế tác động rất mạnh đến các quá trình dân số: sinh, chết, di dân, phân bổ dân cư và đặc biệt ảnh hưởng lên chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực của mỗi quốc gia cũng như của từng vùng lãnh thổ và từng địa phương.

Lê Hùng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn