Tam Nông chủ động phòng, chống dịch bệnh sau lũ

Cập nhật ngày: 04/11/2013 05:39:23

Lũ rút là thời điểm các bệnh về đường tiêu hóa và bệnh ngoài da thường xảy ra như tiêu chảy cấp, thương hàn, tả, viêm da, nấm da, viêm kẽ tay,... Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sau lũ, ngành y tế huyện Tam Nông đã tập trung triển khai các hoạt động y tế cộng đồng như tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường, khuyến cáo cách phòng, chống dịch bệnh.


Trung tâm y tế huyện Tam Nông ra quân phòng, chống
dịch bệnh sốt xuất huyết

Để phòng bệnh, Trung tâm Y tế huyện Tam Nông đã cử mỗi cán bộ quản lí một xã, phối hợp cùng trạm y tế xã và cộng tác viên y tế đến từng hộ gia đình tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại, mức độ nguy hiểm, cách phòng và điều trị dịch bệnh đường tiêu hóa và bệnh ngoài da để người dân biết và chủ động phòng tránh; khuyến cáo người dân ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi, rửa tay nhiều lần bằng xà phòng; trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa, cần giữ vệ sinh nhà cửa, trường học, nơi công cộng để chống sự xâm nhập của những vi khuẩn gây bệnh từ bên ngoài...

Đối với bệnh ngoài da, nếu tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm có thể bị viêm nang lông, nước ăn chân, viêm kẽ tay, chân do vi khuẩn... có những mụn nước, mụn mủ trên da, tập trung ở tay, chân. Khi bị viêm, nhiễm khuẩn, cần phải lau rửa bằng cồn sát khuẩn, bôi thuốc sát khuẩn, castellani... Qua tuyên truyền, đa phần người dân đã nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.

Chị Nguyễn Thị Mộng Kim ở ấp K8, xã Phú Đức cho biết: “Con tôi được 2 tuổi, do công việc hằng ngày nên tôi cũng ít chăm sóc con. Từ khi được cán bộ trạm y tế xã tuyên truyền về phòng, chống bệnh dịch bệnh, tôi đã hiểu, tôi đã chăm sóc con mình kĩ hơn, giữ gìn vệ sinh hằng ngày cho bé”.

Ngoài việc phòng tránh dịch bệnh đường tiêu hóa, bệnh ngoài da, Trung tâm còn phối hợp cùng các ngành, đoàn thể xã tuyên truyền cho người dân không chủ quan với bệnh: sốt xuất huyết, tay chân miệng. Đây là bệnh dễ xảy ra ở trẻ em và thường xuất hiện quanh năm nên bà con phải chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ (rửa tay cho trẻ, cọ rửa đồ chơi, sàn nhà); thường xuyên phát quang bụi rậm xung quanh nhà, đổ những dụng cụ chứa nước đọng để diệt lăng quăng.

Đối với các xã, thị trấn có số ca mắc nhiều như: Phú Thành A, An Hòa, Phú Ninh, ngành y tế cử cộng tác viên y tế đến từng nhà tuyên truyền để người dân biết phòng, tránh. Những nơi đã xảy ra ổ dịch, ngành y tế huyện tổ chức phun xịt hóa chất, vệ sinh môi trường, chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn tăng cường phòng, chống bệnh.

Bà Đặng Thị Lệ Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tam Nông cho biết: “Sau mùa lũ, những bệnh về đường tiêu hóa và bệnh ngoài da có nguy cơ xảy ra cao nên ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh. Huyện sẽ ra quân chiến dịch phòng, chống dịch bệnh từ ngày 8 đến 10/11 ở các xã, thị trấn có nguy cơ xảy ra dịch bệnh”.

Được biết từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 1.113 ca mắc tiêu chảy cấp; sốt xuất huyết 142 ca, trong đó có 10 ca nặng, không có ca tử vong, giảm 215 ca so với cùng kỳ; bệnh tay chân miệng có 224 ca, trong đó có 7 ca nặng, có 1 ca tử vong ở xã Phú Thành A, giảm 182 ca so với cùng kỳ.

Mỹ Xuyên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn