Việt kiều không Quốc tịch

Cập nhật ngày: 01/11/2013 06:35:57

Cuộc sống khó khăn nơi xứ người, nhiều gia đình Việt kiều từ Camphuchia dắt díu nhau về quê hương sinh sống ổn định lâu dài. Tuy mang danh là Việt kiều nhưng nhiều người khi về quê chỉ có hai bàn tay trắng, cuộc sống khá chông chênh, cảnh nghèo khó không biết bao giờ thôi bám lấy họ.


Các gia đình Việt kiều không quốc tịch tại huyện Hồng Ngự

Việu kiều có nhiều “điều không”!

Con nước Tháng 10 dâng cao, cụm dân cư (CDC) Giồng Duối, ấp Bình Hòa Thượng, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự bị chia cắt bởi bốn bề nước lũ. Vượt chặng đường gần 1km bằng phà, chúng tôi mới đến được CDC Giồng Duối để gặp những Việt kiều Campuchia hiện đang sống ở đây.

“Tổ ấm” của gia đình Việt kiều Cao Văn Thành là căn nhà sàn tạm bợ, mái tôn, vách lá nằm khuất trong con hẻm nhỏ của CDC. Thấy khách lạ, ông Thành tất tả gọi vợ nấu vội ấm trà mời khách. Vì cuộc sống mưu sinh, lam lũ nơi xứ người nên ông Thành già hơn nhiều so với tuổi 60 của mình. Ông Cao Văn Thành kể, ông vốn là người quê gốc huyện Hồng Ngự, vợ chồng đang có cuộc sống tương đối ổn định với hai con nhỏ và hơn 10 công đất lúa ở quê, năm 1983 thấy nhiều người Việt ngược dòng Mê Kông qua nước bạn lập nghiệp, ông cũng rời bỏ quê hương đi theo với mong muốn đổi đời.

Nơi xứ người, ai mướn gì vợ chồng ông cũng làm như vác lúa, gặt lúa... Nhờ chịu khó, gia đình ông khai hoang được hơn 7.000m2 đất làm lúa, cuộc sống tạm ổn. Do bị dân bản địa o ép, giành lại đất, cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn. Ông Thành chua xót kể: “Năm 2008, không mảnh đất “cắm dùi”, cuộc sống nơi xứ người bấp bênh, cái ăn không đủ lấy đâu ra chuyện làm giàu, gia đình tôi đành bỏ lại tài sản lên ghe về lại Việt Nam. Dù nghèo, nhưng sống ở quê mình an toàn và ấm áp nghĩa tình còn hơn, ở xứ người trơ trọi lắm”.

Khi về lại Việt Nam, mọi người trong gia đình ông không có bất cứ giấy tờ gì để được công nhận là công dân chính thức. Không có hộ khẩu, không giấy khai sinh, không có quốc tịch, người khác chỉ tin ông Thành là người Việt qua giọng nói và phong tục tập quán mang đậm chất Việt Nam. Căn nhà chưa đầy 20m2, được cất tạm trên đất bà con là nơi sinh sống của 11 người trong gia đình Việt kiều Cao Văn Thành.

Cạnh nhà của ông Thành là nhà của vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Ớt - Nguyễn Thị Lệ, Việt kiều Campuchia về sinh sống năm 2008. Căn nhà lá ọp ẹp chưa tới 22m2 nhưng có đến 11 người sinh sống. Giống như ông Thành, gia đình ông Ớt được người dân cho cất nhà ở tạm. Sau hơn 30 năm bôn ba trên đất Campuchia, cuộc sống nghèo lại hoàn nghèo, gia đình ông Ớt quyết định về Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Lệ buồn hiu nói: “Gia đình tôi tính qua Campuchia tìm cách đổi đời. Nhưng không ruộng đất, nhà cửa, không người thân, chỉ biết làm thuê nên ở bên đó ngày nào có được miếng ăn no bụng là hên lắm rồi”.

Trong gia đình ông Ớt - bà Lệ, chỉ có người con trai út tên Nguyễn Văn Tòng đang học lớp 6 là biết chữ, những người còn lại một chữ cắn đôi cũng không biết. Không có giấy tờ tùy thân, lại không biết chữ và không nghề nghiệp nên không biết bao giờ cuộc đời gia đình này mới bước sang “trang mới”.

Khổ vì không giấy tờ tùy thân

Đó là câu chuyện rớt nước mắt của bà Tô Thị Lợi (SN 1959), Viều kiều sống tại CDC Giồng Duối. Từ Campuchia, gia đình bà Lợi gồm 11 người về Hồng Ngự lưu trú kể từ năm 2008. Lúc mới về, con gái Nguyễn Thị Ngọc Giàu đến tuổi đi học bà gửi con vào học ở trường Tiểu học của địa phương. Khi Giàu học xong năm lớp 1, lên lớp 2, nhà trường phát hiện em không có giấy khai sinh nên cho học lại lớp 1. Nhiều lần nhà trường đòi giấy khai sinh, nhưng do không có nhà, không có hộ khẩu nên gia đình bà Lợi không làm được giấy khai sinh cho con. Hiện nay, khi Giàu học lớp 5, gia đình bà Lợi được địa phương giúp đỡ làm giấy khai sinh.


Bà Tô Thị Lợi và cháu ngoại mong muốn có giấy tờ tùy thân
sau thời gian hơn 5 năm sinh sống ổn định tại Việt Nam

Người con gái lớn của bà Lợi tên Nguyễn Thị Nhành bị bại liệt không thể đi đứng được từ nhỏ. Bà Lợi tâm sự: “Trước kia, con Nhành cũng được địa phương đưa vào diện người tàn tật và được lãnh 180 ngàn đồng/tháng, nhưng do gia đình không có hộ khẩu, con bé cũng không có giấy chứng minh nên mấy tháng nay không được nhận tiền nữa”.

Đối với những hộ Việt kiều như gia đình bà Lợi, hiện tại cái mà họ mong muốn lớn nhất là có giấy tờ tùy thân để có thể tự do đi lại, kiếm việc làm ở những nhà máy, xí nghiệp và được học hành. Bà Nguyễn Thị Lệ cũng cho biết, vì không có giấy tờ nên vợ, chồng, con, cháu của bà phải sống như những người “ngụ cư”. Đi đâu, làm gì mọi người đều chuẩn bị tâm lý phải trả lời sao cho thỏa đáng về vấn đề giấy chứng minh, hộ khẩu.

“Mấy đứa nhỏ rất muốn có giấy tờ để xin vào làm xí nghiệp cho ổn định. Hiện giờ tất cả đều làm phụ hồ ở các công trình và ở tạm nơi đó. Không có giấy tờ nên chúng luôn bất an về vấn đề cư trú” - bà Lệ nói.

Có nhiều nguyên nhân để những hộ Việt kiều Campuchia này không có giấy tờ tùy thân. Một số người cho hay, trước kia họ cũng có giấy tờ nhưng sau thời gian lưu lạc đất khách họ làm mất. Có hộ vì cuộc sống khó khăn, khi sống ở Campuchia họ không khai báo với chính quyền sở tại nên chính quyền bên đó không biết là ai mà quản lý. Có trường hợp có bà con thân thuộc ở Việt Nam nhưng khi về những người bà con đó đã chết hoặc chuyển đi nơi khác, nên không còn ai biết họ để xác nhận. Vì vậy rất khó khăn để có thể làm giấy tờ tùy thân cho các hộ này.

Tìm lối gỡ khó khăn cho những phận đời

Tỉnh Đồng Tháp hiện còn rất nhiều Việt kiều Campuchia trở về định cư, lưu trú lâu dài. Vì nhiều lý do mà họ chưa thể nhập quốc tịch và làm các giấy tờ tùy thân cần thiết khác,... khiến cho cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn như trị bệnh, đi học, tìm việc làm, xác lập quyền sở hữu... làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong quản lý dân cư địa phương. Nhằm giúp đỡ cho những đối tượng này được nhập quốc tịch, các địa phương và các sở, ngành tỉnh đã có nhiều biện pháp hỗ trợ.

Ông Trần Hồng Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự cho biết: “Những trường hợp Việt kiều không có giấy tờ tùy thân về cư trú trên địa bàn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước nên địa phương cũng rất quan tâm giúp đỡ họ. Xã đã giúp đỡ, hướng dẫn nhiều trường hợp tìm đến người thân để được xác nhận có thân nhân ở Việt Nam để tiến hành làm khai sinh, giấy tờ cho con em họ được đi học. Hiện lãnh đạo xã cũng đang kiến nghị với cấp trên xây dựng thêm một CDC nữa để có thể giúp cho các hộ Việt kiều này có chỗ ở ổn định”.

Theo Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp, kể từ khi Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 có hiệu lực đến nay, toàn tỉnh chỉ có 9 trường hợp được Chủ tịch nước ra quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam do đủ điều kiện nhập quốc tịch như quy định của Điều 22, Luật Quốc tịch Việt Nam. Từ việc được nhập quốc tịch, các trường hợp này đã được hướng dẫn làm các thủ tục đăng ký khai sinh, nhập hộ khẩu, làm giấy chứng minh nhân dân và hưởng quyền công dân, đúng theo quy định của pháp luật.

Tỉnh Đồng Tháp hiện còn khoảng 1.067 người (chủ yếu là Việt kiều Campuchia) di cư tự do đến cư trú, sống tập trung chủ yếu ở ba huyện, thị biên giới: Tân Hồng, Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự. Trong đó, qua phân loại có 147 người cư trú ổn định dưới 5 năm, 920 người cư trú ổn định trên 5 năm (phần lớn cư trú ổn định từ 10 năm trở lên). Đa phần họ đều mong muốn được nhập quốc tịch Việt Nam để thuận lợi trong việc cư trú ổn định lâu dài và phát triển kinh tế.

Được biết, vừa qua tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị với Bộ Tư pháp và các ngành liên quan xem xét rút ngắn thời gian quy định được nhập quốc tịch cho số Việt kiều Campuchia về địa bàn tỉnh cư trú ổn định từ 20 năm trở lên, xuống còn 5 năm trở lên. Nếu được xem xét, đây là niềm hạnh phúc khó tả đối với những Việt kiều Campuchia đã trở về sinh sống ổn định trên quê hương ruột thịt của mình.

T.Nam - P.Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn