Tam Nông đa đạng các hoạt động truyền thông dân số
Cập nhật ngày: 25/05/2015 07:25:06
Truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là yếu tố quyết định cho sự thay đổi nhận thức về hành vi của người dân trong thực hiện KHHGĐ.
Thời gian qua, Trung tâm DS–KHHGĐ huyện Tam Nông đã phối hợp với các hội đoàn thể địa phương lồng ghép trong các cuộc họp chi, tổ hội tuyên truyền về chính sách DS–KHHGĐ, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, phát hàng ngàn tờ rơi, lắp đặt các pa nô, áp phích tại các nơi đông dân cư như chợ, tuyến dân cư... Trước đây, việc truyền thông về DS–KHHGĐ chủ yếu lồng ghép với các ngành đoàn thể, nhưng nhận thấy cách làm này đạt hiệu quả chưa cao vì đa số các chị em ở nông thôn còn ngại khi nói về vấn đề KHHGĐ trước đám đông; có thắc mắc về KHHGĐ nhưng ngại, không dám hỏi để cán bộ dân số tư vấn. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện phối hợp với Trung tâm Y tế huyện và trạm y tế các xã, thị trấn tổ chức hơn 140 buổi nói chuyện, sinh hoạt nhóm tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ, chăm sóc SKSS; sàng lọc trước sinh và sơ sinh, những hệ lụy khi lựa chọn giới tính thai nhi, thu hút hàng ngàn phụ nữ tham dự. Đối với tuyến xã cũng đã nâng chất lượng truyền thông bằng cách truyền thông nhóm. Mỗi địa phương chọn một cách truyền thông thích hợp để thu hút các đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tham gia. Các buổi truyền thông được tổ chức tại khóm, ấp hoặc mượn nhà dân, chủ yếu tạo cho phụ nữ sự gần gũi để các chị chia sẻ những thắc mắc của bản thân và tiếp nhận sử dụng các gói dịch vụ và biện pháp tránh thai hiện đại. Chị Nguyễn Thị Quyên ngụ ấp K9, xã Phú Đức chia sẻ: “Trước đây, tôi phân vân không biết lựa chọn biện pháp tránh thai nào cho hợp lý nhưng ngại không dám đến trạm y tế nhờ tư vấn. Từ khi được các chị cộng tác viên dân số đến nhà động viên, tư vấn, tôi đã chọn được biện pháp tránh thai phù hợp. Nhờ tham gia các buổi truyền thông, dần dần tôi đã hết mắc cỡ như trước đây và ý thức hơn trong việc sinh đẻ”.
Qua các buổi truyền thông nhóm, nhiều người đã nâng cao nhận thức về sinh đẻ có kế hoạch, góp phần hoàn thành, vượt các chỉ tiêu DS-KHHGĐ huyện. Trong 5 tháng đầu năm 2015, toàn huyện có 407 trẻ sinh ra, giảm 25 trẻ so với cùng kỳ năm 2014; 4.437 người áp dụng biện pháp tránh thai, tăng so với cùng kỳ 2014 là 350 người. Bên cạnh truyền thông trực tiếp, huyện còn có các mô hình như: tư vấn về sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, góc truyền thông tại trạm y tế xã, thị trấn và lồng ghép tuyên truyền về DS-KHHGĐ qua các buổi sinh hoạt của tổ phụ nữ 5 không - 3 sạch, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, người lớn gương mẫu trẻ em chăm ngoan...
Ông Lê Văn Lợi – Phó Giám đốc Trung tâm DS–KHHGĐ huyện cho biết: “Hiện tại, huyện đang phấn đấu nâng cao chất lượng dân số, duy trì mức sinh hợp lý... nên tăng cường công tác truyền thông về DS–KHHGĐ không chỉ cho đối tượng phụ nữ nông thôn mà còn phối hợp Liên đoàn Lao động huyện truyền thông cho cả giáo viên, cán bộ, nhân viên trong các cơ quan, đơn vị...
MỸ XUYÊN