Huyện Châu Thành
Nhiều hoạt động hỗ trợ lao động nông thôn
Cập nhật ngày: 22/05/2015 13:18:07
Từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Châu Thành phối hợp Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên mở được 20 lớp nghề nông thôn cho hơn 500 học viên với các nghề: đan giỏ xách nhựa, đan lục bình, công nhân xây dựng, sửa chữa máy phun xịt thuốc. Theo thống kê của Phòng LĐTB&XH huyện, sau học nghề có khoảng 80% lao động tìm được việc làm.
Đan lục bình tạo thu nhập hằng ngày cho phụ nữ xã An Khánh, huyện Châu Thành
hững năm qua, UBND huyện phối hợp các xã, thị trấn tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp tư nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh đa dạng các ngành nghề để tạo điều kiện cho lao động nông thôn tìm được việc làm. Tại thị trấn Cái Tàu Hạ, có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh các ngành nghề như: dịch vụ ăn uống, hàng nông sản, may mặc, sửa xe gắn máy, xe đạp... thu hút hàng ngàn lao động đến làm việc. Từ đầu năm đến nay, thông qua tư vấn tại các đoàn thể xã, thị trấn và tham gia sàn giao dịch việc làm hàng tháng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã có hơn 700 lao động tìm được việc làm trong và ngoài huyện. Phòng LĐTB&XH phối hợp các Trạm Truyền thanh xã, thị trấn, Đài Truyền thanh huyện phát các bản tin về xuất khẩu lao động. Tính đến 11/5/2015, toàn huyện có 12 lao động xuất cảnh sang thị trường: Nhật, Đài Loan, Malaysia... và 41 lao động đang học định hướng. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Phòng LĐTB&XH huyện đã giới thiệu Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giải ngân vốn cho 57 hộ nghèo,166 hộ cận nghèo với tổng số tiền trên 5,6 tỷ đồng để thực hiện các mô hình chăn nuôi heo, bò, cải tạo vườn tạp... Hộ anh Nguyễn Văn Hải ở ấp An Phú, xã An Khánh thuộc diện hộ nghèo. Đầu năm 2015, anh được vay 20 triệu đồng, anh Hải cho biết: “Tôi sử dụng số tiền vay mua 2 con bò về nuôi. Dự kiến 5 tháng nữa tôi bán bò, rồi đầu tư nuôi lứa tiếp theo. Từ nguồn vốn vay này, tôi tập trung vào làm ăn sẽ sớm thoát nghèo”.
Hội LHPN huyện, ngoài việc dạy nghề theo chỉ tiêu tỉnh giao còn phối hợp với Hội LHPN các xã, thị trấn tổ chức mở các lớp nghề theo nhu cầu của phụ nữ nông thôn như: làm móng, chăm sóc tóc, may gia đình. Hội LHPN huyện còn duy trì mô hình Tổ hùn vốn tiết kiệm, toàn huyện hiện có 29.115 chị tham gia với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Các thành viên trong tổ xét xoay vòng cho mỗi chị được vay tiết kiệm từ 5 đến 10 triệu đồng để chăn nuôi, mua bán nhỏ... Cô Trần Mỹ Nương ở ấp An Bình, xã An Khánh mua bán nhỏ tại chợ thường hay thiếu vốn nên việc buôn bán có phần khó khăn. Được xét vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn tiết kiệm, cô mua bán nhiều hàng hơn nên thu nhập được cải thiện. Ngoài thời gian ở chợ, cô nhận lục bình khô về đánh dây mỗi ngày kiếm thêm vài chục ngàn đồng.
“Trong thời gian tới, UBND huyện, Phòng LĐ,TB&XH cùng các đoàn thể huyện, xã, thị trấn tiếp tục triển khai thực hiện nhiều chương trình như: mở thêm các lớp nghề, tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn; nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả cao, phù hợp tại địa phương. Các mô hình huyện chọn là chăn nuôi bò, heo, gà theo hướng an toàn sinh học, đan lục bình, nuôi ếch, cá kết hợp cải tạo vườn tạp,... Đồng thời tăng cường công tác tư vấn xuất khẩu lao động cho thanh niên, đặc biệt chú trọng tư vấn cho đối tượng thanh niên xuất ngũ, những em tốt nghiệp cao đẳng, đại học, tốt nghiệp THPT chưa có việc làm” - ông Văng Tấn Sĩ, Phó trưởng Phòng LĐTB&XH huyện cho biết.
MỸ XUYÊN