Mô hình “Điểm đọc báo” ở nông thôn

Cập nhật ngày: 09/08/2013 05:54:25

Năm 2006, Hội Nông dân (ND) huyện Hồng Ngự triển khai mô hình “Điểm đọc báo” tại các địa bàn nông thôn. Đến nay, toàn huyện có tổng cộng 36 điểm của 11 xã, mô hình đã giúp cho người dân có điều kiện tiếp cận nguồn thông tin bổ ích và áp dụng kiến thức vào sản xuất.


Người dân được tiếp cận thông tin bổ ích từ các điểm đọc báo
nhằm nâng cao kiến thức áp dụng vào sản xuất

Nhiều loại báo (Báo Đồng Tháp, Nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh niên, Nông thôn ngày nay) được trang bị tại điểm đọc báo để phục vụ người dân chủ yếu do Chi hội ND các ấp vận động kinh phí từ các mạnh thường để mua báo hoặc thu gom báo cũ từ các tổ chức, cơ quan, đơn vị tại địa phương. Ngoài ra, tại các điểm đọc báo, Chi hội ND ấp còn trang bị các loại sách pháp luật, kinh nghiệm làm kinh tế.

Xã Phú Thuận B là một trong những xã phát huy được hiệu quả từ mô hình điểm đọc báo. Hiện nay, toàn xã thành lập được 4 điểm đọc báo với nhiều loại sách, báo khác nhau phục nhu cầu thiết yếu của người đọc. Hằng ngày tại mỗi điểm đọc báo có hàng chục lượt người thường xuyên đến đọc và trao đổi thông tin. Mỗi ngày chú Nguyễn Văn No ngụ ấp Phú Lợi B, xã Phú Thuận B tranh thủ thời gian rảnh đến điểm đọc báo gần nhà tìm đọc những thông tin trên báo.

Chú No chia sẻ: “Nhờ thường xuyên đọc báo giúp tôi nắm thêm nhiều thông tin, áp dụng vào trong cuộc sống và sản xuất rất hiệu quả”. Ông Nguyễn Hồng Điểm ngồi gần đó tiếp lời: “Điểm đọc báo là nguồn cung cấp thông tin kiến thức rất bổ ích cho người nông dân, đồng thời đây cũng là kênh tuyên truyền hiệu quả nhất”.

Các điểm đọc báo được đặt tại địa bàn đông dân cư, quán cà phê hoặc tại nhà Chi hội ND để thuận tiện cho việc quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến đọc.

Theo anh Nguyễn Văn Điền ngụ ấp 2, xã Thường Phước 2: “Tôi thường xuyên đến điểm đọc báo gần nhà uống cà phê và đọc báo để nắm thêm thông tin qua các báo, tôi thường quan tâm đến giá cả thị trường, các mô hình hướng dẫn làm ăn hiệu quả... Bên cạnh đó, giúp tôi mở mang trí thức và cập nhật thông tin hằng ngày”.

Ông Nguyễn Tiến Hùng - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Hồng Ngự nhận xét: Thông qua mô hình điểm đọc báo có tác dụng sâu sắc đối với người dân về tình hình thời sự diễn ra mỗi ngày, kinh nghiệm làm ăn hiệu quả, giá cả thị trường,... và nâng cao kiến thức cho người dân, ứng dụng trong sản xuất. Thời gian tới, Hội ND huyện sẽ triển khai mô hình này rộng khắp ở các địa bàn ấp, khu vực đông dân cư tăng về số lượng các điểm đọc báo, phục vụ nhu cầu của người dân. Hằng năm phát triển từ 8 - 10 điểm tại các địa bàn dân cư nhằm tạo điều kiện thuận lợi đối với người đọc”.

Tuy nhiên, mô hình này hiện còn nhiều khó khăn do thiếu kinh phí hoạt động, một số địa bàn vùng sâu, vùng xa việc cập nhật báo hằng ngày còn chậm. Nhiều người dân địa phương có nguyện vọng cần được cung cấp đa dạng nhiều thông tin khác nhau để phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống.

Bà Lê Thị Lan ngụ ấp 2, xã Thường Phước 2 cho biết: “Tôi thường xuyên đọc và cập nhật thông tin từ Báo Đồng Tháp, vì tờ báo giúp cập nhật những thông tin sự kiện diễn ra trên địa bàn tỉnh. Tôi mong muốn Báo Đồng Tháp nên mở thêm mục “Hướng dẫn khoa học kỹ thuật” giúp người dân nắm thêm kiếm thức để áp dụng vào trong sản xuất đạt hiệu quả cao hơn”.

Anh Nguyễn Văn Điền ngụ ấp 2 cũng cho biết thêm: “Nhà tôi không có máy vi tính với lại trình độ còn hạn chế nên chỉ còn cách tiếp cận từ nguồn báo giấy. Nhưng số lượng báo ở đây còn rất ít, tôi hy vọng được các đơn vị gửi tặng báo miễn phí về địa phương giúp người dân nơi đây được tiếp cận đa dạng nguồn thông tin”.

Hội ND huyện cho biết, mô hình điểm đọc báo là một trong những chỉ tiêu của Hội ND tỉnh để căn cứ đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ cuối năm nên địa phương triển khai đồng bộ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Hùng: “Đặc thù của địa phương còn nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động, các Chi hội ND ở ấp chủ yếu là tự vận động kinh phí từ các mạnh thường quân hoặc thu gom báo cũ về trang bị cho các điểm đọc báo. Để mô hình phát triển sâu rộng hơn, tôi đề nghị cấp trên tăng cường hỗ trợ về kinh phí, tặng sách, báo, tạp chí miễn phí để phục vụ nhu cầu người đọc”.

Dương Út

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn