Tăng tính đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Cập nhật ngày: 25/01/2016 12:25:00

Từ năm 2013 đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh tổ chức 5 cuộc hội nghị tập huấn báo cáo viên trực tiếp và trực tuyến cho 1.116 lượt người dự là cán bộ chủ chốt từ cấp tỉnh đến cấp xã, báo cáo viên cấp tỉnh. Nội dung tập huấn là những điểm mới về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế (BHYT) và Luật BHXH sửa đổi. Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông định hướng tuyên truyền về chính sách an sinh xã hội và BHXH, BHYT đối với các cơ quan báo, đài trong tỉnh thông qua hội nghị giao ban báo chí hàng tháng.

Song song đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh ủy phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH cùng cấp và các cơ quan có liên quan tham mưu cấp ủy hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI, Chương trình hành động số 171-CTr/TU ngày 26/3/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Công văn số 893-CV/TU ngày 22/4/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh” sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều hình thức tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh cấp huyện, xã; tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền miệng, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, trưng bày, triển lãm... được các cấp, các ngành quan tâm phối hợp thực hiện. Những mô hình hay do các ngành phát động như Sở Giáo dục và Đào tạo vận động cán bộ, giáo viên và học sinh hỗ trợ 2.500 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT, số tiền trên 1 tỷ đồng; Hội Nông dân tỉnh xây dựng mô hình tổ Tư vấn BHYT, tổ hùn vốn mua BHYT, vận động được 104.119 hội viên, nông dân tham gia mua BHYT; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh duy trì và thành lập 79 Tổ hùn vốn mua BHYT với 987 thành viên, hàng tháng mức hùn vốn từ 100.000 - 200.000 đồng/chị và thành lập 25 tổ phụ nữ tương trợ mua BHYT...

Ông Nguyễn Minh Hiếu - Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, ngành đã phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức 12 cuộc đối thoại với người lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; in 200.000 tờ bướm, 22.600 tờ gấp BHYT tự nguyện và BHYT học sinh; 4.400 tờ bìa, 1.200 nón kết, 3.000 cuốn đặc san tuyên truyền kỷ niệm 20 năm thành lập ngành; phân phối 5.014 quyển Tạp chí BHXH, 6.100 tờ Báo BHXH tuần... Đặc biệt, cơ quan BHXH tỉnh tích cực phối hợp với Báo Đồng Tháp thực hiện 24 chuyên trang; phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp tổ chức 5 buổi tọa đàm trực tiếp trên sóng phát thanh - truyền hình “Tìm hiểu chính sách pháp luật về BHXH, BHYT”, 4 chương trình Đồng hành cùng nhân dân về chế độ BHYT, thực hiện phóng sự mục tiêu phát triển BHYT toàn dân đến 2015; phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết các nội dung liên quan đến BHYT học sinh và trợ cấp thất nghiệp theo Luật Việc làm; phối hợp Bưu điện tỉnh tổ chức triển khai và mở rộng việc thu BHXH tự nguyện, BHYT của đối tượng tự nguyện trên địa bàn tỉnh qua hệ thống Bưu điện...

Kết quả nêu trên cho thấy sự vào cuộc của các cấp, các ngành rõ rệt hơn kể từ khi tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 21. So với thời điểm năm 2013 thì năm 2015 toàn tỉnh có 79.768 người lao động tham gia BHXH bắt buộc tăng 3,59% ; 3.944 BHXH tự nguyện, tăng 51,11%; có 70.079 người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 8,32% và 1.051.064 người tham gia BHYT, chiếm 62,51% dân số của tỉnh, tăng 14,64%.

Đánh giá về những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền Nghị quyết 21-NQ/BCT trong 3 năm qua, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiều Thế Lâm khẳng định BHXH, BHYT là hai chính sách quan trọng, hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Điều đó được minh chứng bằng những hoạt động chăm sóc sức khỏe, giải quyết chế độ ốm đau, tai nạn lao động, hưu trí... và số người tham gia BHXH, BHYT tăng lên từng năm. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác phục vụ đối tượng tham gia BHXH, BHYT mà những nguyên nhân này xuất phát từ cả 2 phía người thực hiện chính sách và người thụ hưởng quyền lợi. Người tham gia thì muốn đảm bảo quyền lợi theo nguyện vọng cá nhân, còn cơ quan thực hiện chính sách thì đôi khi chưa tuyên truyền, giải thích, tư vấn rõ ràng. Do đó trong định hướng sắp tới, hệ thống Ban Tuyên giáo sẽ tiếp tục phối hợp với BHXH tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đặc biệt cần nghiên cứu tăng tính sáng tạo trong tuyên truyền, chú ý tuyên truyền miệng, đối thoại giải đáp thắc mắc để người tham gia hiểu đúng, hiểu đầy đủ, có lòng tin và đồng thuận trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

V.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn