Vườn Quốc gia Tràm Chim
Tạo điều kiện cho dân nghèo mưu sinh mùa nước nổi
Cập nhật ngày: 29/09/2014 13:33:24
Thực hiện Đề án sử dụng hợp lý tài nguyên đất ngập nước Vườn Quốc gia Tràm Chim (VQGTC) có sự tham gia của cộng đồng giai đoạn 2012 - 2020 (gọi tắt là Đề án), từ năm 2012, VQGTC cho phép người dân nghèo trên địa bàn huyện Tam Nông được vào Vườn khai thác thủy sản trong mùa nước nổi. Mùa lũ năm nay, VQGTC tổ chức cấp phát ngư cụ để tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân vào Vườn khai thác.
Vườn Quốc gia Tràm Chim phát ngư cụ hỗ trợ các hộ dân vào vườn khai thác thủy sản
Theo VQGTC, năm 2014 có 177 hộ dân thuộc các xã: Phú Thọ, Phú Đức, Phú Hiệp, Tân Công Sính, Phú Thành B và thị trấn Tràm Chim nằm trong khu vực vùng đệm của Vườn đăng ký tham gia Đề án. Trong đó, 51 hộ nghèo được xét hỗ trợ ngư cụ gồm: 20 xuồng, 3.000m lưới (mắc lưới 2,5cm và 4,5cm), 12.000m câu giăng và 300 cái lờ bắt cá sặc; tổng trị giá hơn 70 triệu đồng do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tài trợ. Sau hoàn tất công tác xét duyệt, VQGTC tổ chức cấp thẻ và phổ biến các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên trong Vườn cho các hộ tham gia, đồng thời tổ chức phân 6 lô (mỗi lô 150ha) tại các phân khu để 51 hộ dân này vào đánh bắt, khai thác. Thời gian khai thác từ 5 giờ đến 18 giờ mỗi ngày và được phép khai thác đến hết tháng 12/2014.
Là khu vực nằm gần vùng đệm VQGTC, xã Phú Đức có 30 hộ được xét tham gia dự án. Trong đó, có 7 hộ khó khăn được hỗ trợ 3 chiếc xuồng, 500m lưới, 2.000m câu và 50 cái lờ. Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đức cho biết: “Những hộ được chọn tham gia Đề án thuộc hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách. Đa số họ sống bằng nghề làm thuê nên thu nhập bấp bênh. Trong mùa nước nổi, việc làm thuê cũng hạn chế hơn nên khi được xã xét duyệt bà con phấn khởi vì được tạo công ăn việc làm để kiếm thêm thu nhập”.
Gia đình chú Nguyễn Văn Niễu (ấp K8, xã Phú Đức) thuộc diện chính sách là một trong 30 hộ của xã được chọn tham gia Đề án. Kinh tế gia đình khó khăn khi nhà có 5 nhân khẩu mà chỉ có vài công đất ruộng nên hằng năm, khi nước lũ tràn đồng, chú cũng tranh thủ bắt cua, bắt ốc để nuôi cả gia đình. Mùa nước này, khi được chọn tham gia Đề án, chú tận dụng những cái lọp cũ để vào Vườn đặt cá lóc. Chú Niễu phấn khởi nói: “Dù con nước năm nay không lớn như mọi năm, lượng cá cũng ít hơn, nhưng so với những hộ giăng câu, lưới bên ngoài Vườn thì thu nhập của chúng tôi có khá hơn. Với gần 100 cái lọp, mỗi ngày tôi bắt được khoảng 2kg cá, thu nhập gần 150 ngàn đồng. Số tiền này đã giúp gia đình tôi trang trải cuộc sống trong mùa nước nổi”.
Giống như chú Niễu, gia đình chú Lương Bá Phước (ấp K8, xã Phú Đức) cũng được tham gia khai thác thủy sản trong VQGTC. Là hộ cân nghèo, không đất sản xuất nên thu nhập của gia đình cũng không ổn định. Các năm 2012, 2013 gia đình chú được chọn tham gia Đề án, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn không trang bị được ngư cụ nên chú buộc lòng “từ chối”. Năm nay, được hỗ trợ chiếc xuồng, chú Phước mạnh dạn sắm 85 cái trúm để vào Vườn đặt lươn. Theo chú Phước, các hộ vào VQGTC khai thác có nhiều lợi ích khi nguồn thủy sản trong Vườn rất đa dạng, phong phú.
Năm nay, lũ về sớm nhưng con nước dâng thất thường, những người mưu sinh bằng nghề câu lưới cũng vì thế mà thất thu. Nhưng với 51 hộ dân trong vùng đệm VQGTC, được vào vườn khai thác sẽ là điều kiện tốt để kiếm thu nhập trong mùa nước nổi.
P.L