Thiếu đường đi - dân biên giới chưa an tâm “an cư lạc nghiệp”

Cập nhật ngày: 30/06/2014 05:37:04

Thời gian qua, nhiều cụm, tuyến dân cư (CTDC) ở biên giới tỉnh Đồng Tháp được xây dựng đã tạo điều kiện cho người dân nơi đây có nơi sinh sống ổn định và đảm bảo an ninh quốc phòng ở địa phương. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế nên kết cấu hạ tầng của nhiều CTDC thiếu đồng bộ, nhất là đường vào nhiều CTDC chưa có, gây khó khăn cho việc sinh hoạt, phát triển kinh tế của người dân...


Muốn ra vào cụm dân cư Cả Xiêm (xã Bình Phú) người dân phải len lõi
qua các bờ đê, ruộng lúa

Đến nay, các huyện biên giới của tỉnh là Hồng Ngự, Tân Hồng và thị xã Hồng Ngự được đầu tư xây dựng 24 CTDC nhằm sắp xếp, ổn định dân cư và giúp cho người dân các địa phương có nơi ở an toàn, khỏi phải chịu cảnh ngập lũ mỗi khi mùa nước lên.

Anh Nguyễn Văn Điện ở Cụm dân cư (CDC) Cả Xiêm, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng nói: “Hồi trước nhà tôi ở mé sông nên đến mùa nước lên là ngập đến nóc nhà,... khổ lắm. Từ lúc được lên sống ở CDC đến nay khỏi lo chuyện nước ngập nữa”.

Ông Nguyễn Tấn Đạt - Chủ tịch UBND xã Bình Phú, huyện Tân Hồng cho hay, cùng với gia đình anh Điện, đang sinh sống ở CDC Cả Xiêm còn có 82 hộ dân khác. Trước đây hầu hết đều không có nơi ở ổn định nên khi vào CDC là điều kiện tốt để họ an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên Cả Xiêm hiện là CDC “3 không” vì nơi đây chỉ mới có điện thắp sáng, chưa có trường học, chưa có trạm cấp nước sạch và chưa có đường giao thông dẫn vào CDC.

Tình trạng “3 không” ở Cả Xiêm khiến cho cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Hiện để có nước sử dụng, người dân phải xách nước từ dưới kinh lên; để ra đến trung tâm xã, họ phải vượt đoạn đường gần 10km, trong đó có hơn 3km đường ruộng, đường đê.

Chị Nguyễn Thị Thắm sống ở CDC Cả Xiêm cho biết: “Ở đây vào mùa nước lên chỉ có thể đi xuồng. Còn mùa mưa thì rất khó đi vì đường sình lầy dữ lắm. Tôi chạy xe đưa mấy đứa nhỏ đi học bị té hoài. Ai cũng trông có con đường để nơi đây phát triển”.

Vợ chồng chị Thắm có 2 con nhỏ đang đi học. Do ở CDC không có trường học nên hằng ngày chị phải vượt đoạn đường bờ đê dài gần 4km đưa con đến Trường Tiểu học và THCS điểm Cả Răng (xã Bình Phú) học.

Gần nhà chị Thắm là gia đình anh Trần Ai (sinh năm 1970). Vợ chồng anh có hoàn cảnh đỡ hơn nhiều hộ dân khác trong CDC Cả Xiêm, nhưng vì ngại đường xá cách trở, đưa đón khó khăn mà 2 con trai của anh mới học hết tiểu học đã nghỉ. Anh Ai tâm sự: “Ở đây đi học khó khăn quá nên chỉ cho con đi học để biết chữ. Ở CDC này không có đứa nào học nỗi đến hết lớp 10”.

Trên địa bàn huyện Tân Hồng có tổng cộng 15 CTDC thì có đến 8 CTDC chưa có đường giao thông vào. Ngoài CDC Cả Xiêm và CDC Cả Chanh ở xã Bình Phú, còn có các cụm Trảng Xê Đá, Ba Lê Hiếu, Năm Sở, Lăng Xăng 3, Gò Cát mở rộng 1 và Gò Cát mở rộng 2 hiện chưa có đường giao thông kết nối, gây nhiều trở ngại cho việc học hành, giao thương, phát triển kinh tế của người dân trong các CDC.

Ông Nguyễn Chi Lăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng cho biết, một số CDC trên địa bàn không có đường đi lại, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, học hành của con em địa phương, nhưng do nguồn vốn của địa phương có hạn nên đành chịu. Hiện phải chờ dự án “Đường tuần tra biên giới” của Bộ Quốc phòng triển khai để giải quyết nhu cầu đường sá đi lại của người dân.

Không riêng gì Tân Hồng, nhiều CDC biên giới ở huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự cũng không có đường giao thông kết nối. Theo thống kê mới đây của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, ở huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự còn có các CDC: Giồng Bàng, Giồng Dúi, Nam Hang (huyện Hồng Ngự), Á Đôn 1, Á Đôn 2 và Kênh Cụt (thị xã Hồng Ngự) cũng không có đường giao thông.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện đề án 8 xã biên giới mới đây, ông Đoàn Quốc Cường - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp đề nghị lãnh đạo tỉnh cân đối nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đường giao thông để các CTDC biên giới được thông suốt và tạo điều kiện cho người dân có việc làm để bám trụ biên giới. Qua đó, UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định đầu tư thêm cho 8 xã biên giới (mỗi xã 3 tỷ đồng) để xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Có CDC nhưng do chưa được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, người dân sống ở các CTDC biên giới trên địa bàn tỉnh phải từng ngày vượt qua khó khăn, trở ngại để bám trụ, giữ vững biên cương. Mong rằng, thời gian tới tỉnh sẽ có nhiều giải pháp nhằm đầu tư cho khu vực biên giới để người dân được “an cư lạc nghiệp”.

Ông Nguyễn Chi Lăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng nói: “CDC biên giới phần đông là dân nội địa ra nhưng khi bắt đầu vào ở, họ không biết làm gì, vì phần lớn không có đất, đường xá có nơi không có. Huyện cũng đề xuất rất nhiều lần, kể cả Quốc hội, Chính phủ và đề nghị tỉnh làm sao cấp đất cho người dân biên giới để họ làm ăn, tạo thành lá chắn bảo vệ biên giới. Không có đất nên họ bắt buộc phải đi làm ăn nơi khác nên có thời điểm chỉ còn 1/3 số người ở lại, chủ yếu là người già và trẻ em. Tôi rất lo, nếu tình hình này kéo dài, người dân sẽ rút vào nội địa,...”.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn