Thời cơ xuất khẩu lao động đối với thị trường Nhật Bản

Cập nhật ngày: 21/07/2014 05:21:57

Trong các thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) hiện nay, Nhật Bản là một trong những thị trường nhiều tiềm năng nhất. Để tiếp cận thị trường này, người lao động phải nỗ lực đồng thời được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng trong quá trình tuyển chọn, giới thiệu.


Thân nhân người lao động tại Nhật chia sẻ kinh nghiệm tại hội
thảo xuất khẩu lao động Nhật Bản

Đồng Tháp có nhiều lợi thế khi tham gia các thị trường XKLĐ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia. Trong đó, thị trường XKLĐ Nhật Bản được đánh giá là đầy tiềm năng, bởi người lao động sau khi sang Nhật làm việc thu nhập cao từ 18 - 25 triệu đồng/tháng. Trong 3 năm làm việc tại Nhật, người lao động không chỉ có thu nhập cao, mà còn nhận được các chế độ trợ cấp như bảo hiểm, tiền lương tăng ca, chế độ nghỉ ngơi. Chính vì thế mà lao động làm việc tại Nhật thường tích lũy nhiều tiền gửi về cho gia đình. Hộ bà Tống Kim Thảo ở huyện Châu Thành, trước đây rất nghèo, sau khi được tư vấn, bà khuyên các con đi Nhật làm việc. Theo bà Thảo, môi trường làm việc tại Nhật ổn định, mỗi tháng các con bà đều tích lũy tiền gởi về cho gia đình. Hộ bà Nguyễn Thị Nhanh ngụ ấp Thới Mỹ 1, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung cũng có con đang làm việc tại Nhật. Gia đình bà Nhanh trước đây sống trên ghe, cuộc sống thiếu thốn. Con trai bà sau khi học xong đại học không tìm được việc làm, nên sang Nhật làm việc đã hơn 2 năm. Bà Nhanh cho biết: “Ban đầu tôi cũng sợ vì ở Nhật thường có động đất, sóng thần nhưng sau khi tìm hiểu tôi cho con sang Nhật lao động, khi sang bên đó, cháu được chủ công ty quan tâm, tạo điều kiện làm việc, mỗi tháng cháu đều gửi tiền cho tôi 20 đến 30 triệu đồng. Số tiền này tôi đã cất lại căn nhà mới khang trang, mua mấy công đất trồng cam. Hiện nay, đứa con út của tôi cũng muốn đi sang Nhật làm việc...”.

Điều đặc biệt của thị trường XKLĐ Nhật Bản là người Việt được các ông chủ công ty Nhật xem trọng, tạo điều kiện làm việc, được trả lương, hưởng các chế độ vui chơi giải trí, sinh hoạt như những người bản địa. Kết thúc thời gian làm việc 3 năm, người lao động trở về nước, nếu muốn tiếp tục làm việc tại các công ty Nhật ở Việt Nam thì sẽ được hỗ trợ tìm việc. Chị Nguyễn Trang Đài - lao động từng làm việc tại Nhật - chia sẻ: “Tôi sang Nhật làm việc 3 năm, lương cơ bản 700 USD/tháng. Sau khi hết hợp đồng làm việc tại Nhật, tôi về Việt Nam và được công ty Nhật tại TPHCM nhận vào làm việc với thu nhập rất ổn định...”. Ngoài chị Đài, một số trường hợp lao động từng làm việc tại Nhật cũng chia sẻ được chính ông chủ gọi điện thoại hỏi thăm, đồng thời giới thiệu công ty Nhật tại Việt Nam để người lao động đến tìm việc.

Ông Yoshihisa Abe - Tổng Giám đốc Công ty Loy-Hongo, TP.HCM cho biết: “Hiện nay, Nhật Bản đang xây dựng các công trình thể thao Olympic 2020, vì vậy, cần khoảng 2.000 kỹ sư xây dựng. Lao động sang Nhật làm việc được đào tạo tiếng Nhật, biết văn hóa Nhật. Sau thời gian làm việc tại Nhật về nước, người lao động có thể tiếp tục làm việc tại các công ty Nhật tại Việt Nam với thu nhập cao. Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 700 công ty Nhật đang hoạt động, vì vậy người lao động cứ yên tâm làm việc”.

Sang làm việc tại Nhật, người lao động sẽ được Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ tiền vay tín chấp 90% chi phí XKLĐ, được tạo điều kiện đăng ký hồ sơ, được tham gia các lớp học tiếng Nhật... Ông Nguyễn Băng Sơn - Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm cho biết: “Sau nhiều lần khảo sát tìm hiểu, có thể nói thị trường XKLĐ Nhật là thị trường số 1 cần được tập trung. Giúp người lao động tiếp cận với thị trường này, các đơn vị liên quan cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động đến các xã, phường, thị trấn để người dân nắm bắt thông tin...”.

Cái khó của lao động sang Nhật làm việc là phải học tiếng Nhật, có kiến thức về văn hóa Nhật, vì không biết tiếng Nhật đồng nghĩa với việc người lao động không làm được việc gì. Người lao động phải cố gắng học hỏi, không được xăm mình, tuyệt đối không nghe lời dụ dỗ, lôi kéo trốn việc, trốn ở lại Nhật, trộm cắp... Nếu vi phạm những điều này, lao động sẽ không được hưởng bất cứ quyền lợi nào và các công ty Nhật sẽ không tuyển dụng.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn