Thời tiết giao mùa và các bệnh thường gặp
Cập nhật ngày: 24/11/2014 13:32:36
Tiết trời chuyển từ thu sang đông, nhiệt độ thay đổi đột ngột là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và cũng là điều kiện bất lợi bộc phát bệnh ở trẻ em, nhất là những trẻ dưới 5 tuổi, trẻ có hệ miễn dịch yếu do cơ thể chưa kịp thích nghi với sự thay đổi của môi trường, khả năng đề kháng suy giảm là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng. Giao mùa cũng là khoảng thời gian cơ thể khó thích nghi với thời tiết, cảm cúm cũng dễ xảy ở người lớn và trẻ nhỏ. Khi thấy có hiện tượng chảy nước mắt, nước mũi, hắt xì liên tục, đau đầu, mệt mỏi, uể oải thì có thể nghĩ đến khả năng mình đã bị cảm cúm. Một số bệnh thường gặp khi thời tiết giao mùa:
Viêm họng cấp: Có nhiều nguyên nhân gây viêm họng nhưng phần lớn là do các loại vi rút (80%), còn lại là do vi khuẩn (chủ yếu liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A Streptococcus - đây cũng là nguyên nhân gây nên những biến chứng nghiêm trọng về tim, khớp và thận). Viêm họng cấp thường gặp ở người lớn và trẻ em, bệnh khởi phát đột ngột, người bệnh sốt cao 39-40 độ C, kèm theo đó là nuốt đau, rát họng, khàn tiếng, đau họng hơn khi ho, nói. Ngoài ra còn có các triệu chứng đi kèm là tắc mũi và chảy nước mũi, tiếng nói khàn nhẹ và ho khan đau khi nuốt, viêm họng cấp thường diễn biến trong 3-4 ngày, bệnh sẽ lui dần, các triệu chứng trên sẽ mất đi rất nhanh, sốt giảm dần, hiện tượng đau rát họng cũng không còn.
Bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc): Nguyên nhân thường là do vi khuẩn, vi rút hoặc do phản ứng dị ứng..., bệnh thường gặp vào cuối mùa thu, khi thời tiết giao mùa, độ ẩm không khí thay đổi, những người nhạy cảm với thời tiết, người có hệ thống miễn dịch yếu dễ bị nhiễm bệnh. Biểu hiện của bệnh là đỏ một hoặc hai mắt kèm theo ngứa, chảy nước mắt, đau mắt đỏ làm cho người bệnh có cảm giác như có một vật gì ở trong mắt mà không lấy ra được. Đau mắt đỏ thường bị cả hai mắt hoặc đôi khi có một mắt rồi lây sang mắt kia sau một vài ngày.
Cảm cúm: Người lớn cũng là đối tượng dễ bị cảm cúm khi thời tiết giao mùa và trẻ em là nhóm mắc căn bệnh này nhiều do hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện khiến virus cúm dễ dàng gây bệnh. Triệu chứng thường thấy như: sốt nhẹ, có thể ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt, ho, đau họng, mỏi cơ, nghẹt mũi, chán ăn, đặc biệt là hắt hơi nhiều và chảy nước mũi trong. Tùy theo sức đề kháng của cơ thể mà thời gian bệnh kéo dài hay rút ngắn, giảm nhẹ hoặc nghiêm trọng hơn.
Phòng bệnh khi thời tiết giao mùa, nên giữ ấm cho trẻ, cho trẻ uống nhiều nước, không nên cho trẻ uống nước lạnh, nước đá, cho trẻ xúc miệng bằng nước muối loãng ngày hai lần, vệ sinh răng miệng cho trẻ sau khi ăn, rửa mũi cho trẻ 2 lần/ngày bằng nước muối sinh lý 0.9%. Rửa tay nhiều lần để loại trừ mầm bệnh lây lan, nơi ở phải thoáng mát, sạch sẽ. Cần cho trẻ ăn đầy đủ dưỡng chất và các loại vitamin để tăng cường sức đề kháng...
Đối với đau mắt đỏ, khi trẻ bị bệnh cần cho trẻ nghỉ học, không đưa trẻ đến nơi đông người, cần lau rửa mắt cho trẻ 3-4lần/ngày bằng khăn sạch và mềm, tránh khói bụi nên đeo kính mát cho mắt, tránh ôm ấp khi trẻ bị bệnh, trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt cần rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn...
Cẩm Lụa