Chuyển đổi mô hình hoạt động Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh:

Thuận lợi hơn trong việc tiếp nhận và điều trị người nghiện ma túy

Cập nhật ngày: 20/05/2016 13:24:01

Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (Trung tâm) tỉnh có sức chứa 300 học viên (HV). Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân mà hiện nay chỉ có 2 HV đang điều trị tại đây.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 549 người nghiện ma túy (MT) có hồ sơ quản lý, nếu kể cả số đối tượng nghiện đang ở ngoài cộng đồng thì khoảng trên 1 ngàn người. Người nghiện MT thuộc nhiều độ tuổi, nhiều thành phần xã hội, sử dụng nhiều loại MT, chủ yếu là các chất dạng thuốc phiện và sử dụng bằng đường tiêm chích, nguyên nhân trở thành một trong những nguy cơ lây nhiễm HIV lớn nhất hiện nay. Tình hình tội phạm liên quan đến MT đã gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây hoang mang, bức xúc trong xã hội, cộng đồng dân cư.

Từ đầu năm 2014 đến hết tháng 12/2015, số người được tiếp nhận cai nghiện tại Trung tâm là 106 người (trong đó có 25 cai nghiện bắt buộc theo quy định và 81 cai nghiện tự nguyện), hiện chỉ có 2 HV cai tự nguyện, không có người nghiện MT thuộc diện không có nơi cư trú ổn định tại tỉnh đi cai nghiện. Như vậy, chỉ có 19,3% người nghiện MT có hồ sơ quản lý được cai nghiện, chữa trị; số người nghiện không được cai nghiện, chữa trị chiếm trên 80%, trở thành nguy cơ lớn gây ra các loại tội phạm, lây truyền các loại bệnh xã hội, nhất là lây nhiễm HIV/AIDS cho cộng đồng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hệ thống luật pháp có liên quan đến công tác cai nghiện chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ nên không đưa được người nghiện trên địa bàn tỉnh đi cai nghiện và từ bỏ MT. Mặt khác, chưa có nhiều giải pháp, phương thức cai nghiện phù hợp để người nghiện MT lựa chọn các hình thức cai nghiện; chưa có mô hình cai nghiện thiết thực, thời hạn cai nghiện tập trung để người cai lựa chọn; chưa có hình thức cai nghiện bán trú, ngoại trú. Việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại Trung tâm chưa được triển khai,... Về cơ sở vật chất, hiện Trung tâm chưa có tường bao ngăn chia các khu vực quản lý và điều trị, chưa có khu vực điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone,...

Trước thực trạng trên, ông Lê Tiến Quân, Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội - Sở LĐ-TB&XH cho biết, việc tổ chức lại Trung tâm trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tên gọi là nhiệm vụ hết sức cần thiết và phù hợp với định hướng của pháp luật hiện hành. Cuối tháng 4/2016, UBND tỉnh đã Quyết định ban hành Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động Trung tâm thành Cơ sở điều trị nghiện tỉnh Đồng Tháp trực thuộc Sở LĐ-TB&XH. Trung tâm sẽ tiếp nhận, quản lý, điều trị cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện MT không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để phân loại, xử lý chuyển về gia đình, cộng đồng; chuyển gửi điều trị nghiện tự nguyện hoặc chuyển tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Trung tâm còn tiếp nhận, điều trị nghiện cho người nghiện MT (bao gồm cả người bị rối loạn tâm thần do sử dụng MT) phải chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án; tiếp nhận, điều trị nghiện cho người nghiện MT đến cai nghiện tự nguyện; quản lý, dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện MT nhằm tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng, có việc làm thu nhập ổn định và hạn chế nguy cơ tái nghiện; tư vấn, điều trị ngoại trú cho người nghiện MT có nhu cầu; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Trên cơ sở tận dụng tối đa các cơ sở hiện có và cải tạo nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi mô hình Trung tâm theo tình hình mới. Nguồn vốn đầu tư cho cơ sở từ vốn Trung ương hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và vốn ngân sách địa phương. Cơ sở bao gồm các hạng mục theo phân khu chức năng như: khu cơ sở xã hội, khu cai nghiện bắt buộc, khu điều trị rối loạn tâm thần, khu cai nghiện tự nguyện, khu quản lý sau cai,... Ông Lê Văn Rạng - Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện nay Trung tâm đang chờ quyết định chuyển đổi tên. Việc chuyển đổi Trung tâm thành Cơ sở điều trị nghiện tỉnh với nhiều giải pháp, phương thức cai nghiện phù hợp với quy định hiện hành sẽ giúp Trung tâm hoạt động hiệu quả, giúp địa phương và gia đình người nghiện MT thuận lợi trong việc đưa người nghiện đi cai nghiện.

Được biết, lộ trình thực hiện Đề án chia làm 2 giai đoạn: năm 2016 và từ năm 2017 - 2020. Riêng trong năm 2016, ngành chức năng sẽ thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo sửa chữa, nâng cấp Trung tâm đảm bảo cho việc chuyển đổi mô hình cai nghiện đạt hiệu quả; tiếp nhận và điều trị nghiện MT bắt buộc cho khoảng 10 - 15% số người nghiện có hồ sơ quản lý; tiếp nhận và điều trị nghiện MT tự nguyện cho khoảng 50% số người nghiện có nhu cầu cai nghiện; thực hiện việc tiếp nhận người nghiện MT không có nơi cư trú ổn định. Tuy nhiên, theo Trung tâm, hiện nay cơ sở vật chất Trung tâm đang xuống cấp cần sớm sửa chữa, nâng cấp, cải tạo để công tác cai nghiện cho HV được an toàn và đạt hiệu quả cao.

H.NGHĨA

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn