Thanh Bình

Thực hiện hiệu quả các chương trình giảm nghèo

Cập nhật ngày: 07/03/2021 06:59:07

ĐTO - Tập trung thực hiện các giải pháp chăm lo người nghèo, UBND huyện Thanh Bình, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo như: tín dụng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo; chính sách giáo dục, nhà ở, dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với việc làm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.


Người lao động huyện Thanh Bình dự khai giảng lớp chế biến và bảo quản thủy sản

UBND huyện, Phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Bình cùng UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Bình đã ban hành kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo và giám sát tổ chức, đồng thời quan tâm công tác tư vấn, giới thiệu, tạo việc làm mới cho người dân trên địa bàn. Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tổ chức đưa học sinh, người dân có nhu cầu tìm việc làm tham dự các phiên Giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp và các Phiên giao dịch việc làm vệ tinh; phiên chuyên đề tạo cơ hội giúp người lao động tiếp cận với thông tin về việc làm và nhu cầu tuyển dụng lao động. Mỗi năm huyện Thanh Bình có hơn 3.000 lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm mới, tỷ lệ lao động có việc làm mới đạt hơn 100%, tỷ lệ lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đạt hơn 100%.

Bên cạnh đó, huyện Thanh Bình thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo về tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo như dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Tại xã Tân Long, mô hình giảm nghèo bền vững có 15 hộ nghèo, tổng mức dự án là 594 triệu đồng gồm kinh phí hỗ trợ dự án; vốn đối ứng; bình quân mỗi hộ vay 30 triệu đồng. Qua thời gian thực hiện, có 11 hộ có chuyển biến tích cực, trong đó 5 hộ chuyển sang cận nghèo; 6 hộ thoát khỏi chuẩn cận nghèo, đạt hơn 73%. Tại xã Tân Quới, hiện có 16 hộ tham gia mô hình chăn nuôi heo, xã Bình Tấn với 16 hộ tham gia mô hình chăn nuôi. Các mô hình được thực hiện từ ngân sách trung ương, địa phương, vốn đối ứng, hoạt động hỗ trợ giúp hộ nghèo có nguồn vốn, phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Quan tâm chăm lo cho hộ nghèo, UBND huyện, Phòng LĐ-TB&XH triển khai, phối hợp thực hiện các dự án truyền thông về giảm nghèo, duy trì tổ chức đối thoại giảm nghèo tại các xã, thị trấn, huyện. Đối tượng được mời tham gia đối thoại là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua đó, các đơn vị đã ghi nhận ý kiến, nguyện vọng của hộ nghèo, cận nghèo; các ý kiến được ghi nhận và được trả lời cụ thể. Ngoài ra, các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền các chính sách liên quan đến hộ nghèo, cận nghèo, các mô hình làm kinh tế hiệu quả, nhân rộng các điển hình có cách làm kinh tế hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Cùng với công tác truyền thông, Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức, phối hợp các hoạt động kiểm tra, giám sát các văn bản liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, huyện Thanh Bình đã tiếp nhận và thực hiện các biện pháp hỗ trợ kịp thời hơn 3.700 hộ nghèo và hơn 14.000 hộ cận nghèo. Từ nhiều nguồn hỗ trợ, huyện đã xây dựng 380 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, hỗ trợ sửa nhà cho 365 hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Với nhiều giải pháp dành cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo của ngành LĐ-TB&XH, chính quyền địa phương các cấp, chất lượng cuộc sống của người nghèo được nâng lên. Hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận với các chính sách ưu đãi về giáo dục, y tế, nhà ở, vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, học nghề nông thôn... Các phong trào “Ngày vì người nghèo”; phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” thu hút sự quan tâm, tham gia, giúp đỡ của các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp. Hộ nghèo có ý thức tự vươn lên, phát huy tối đa nguồn lực giúp đỡ từ cộng đồng. Nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất được thực hiện như cho vay khởi nghiệp, giải quyết việc làm, chăn nuôi góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 2% trở lên, tăng thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo lên 1,5 lần.

Tăng cường các chính sách chăm lo cho hộ nghèo, huyện Thanh Bình tiếp tục tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho hộ nghèo như mua bảo hiểm y tế; học sinh, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc diện nghèo được miễn học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường; 100% hộ nghèo có người trong độ tuổi lao động được hỗ trợ học nghề, hướng dẫn cách làm ăn... Đồng thời chọn các giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo đến với người dân, Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện, xã phối hợp chặt chẽ trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động có chuyên môn, kỹ thuật. Tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo kịp thời, chính xác, điều tra, phân loại hộ nghèo theo từng nhóm hộ, nguyên nhân nghèo để có các chính sách hỗ trợ phù hợp. Tích cực vận động các nguồn lực để hỗ trợ kịp thời cho hộ nghèo, cận nghèo; kết nối các cơ sở, doanh nghiệp có các sản phẩm gia công như đan giỏ nhựa, đan ghế, tạo sản phẩm từ lục bình, bẹ chuối góp phần tăng thu nhập cho người lao động...

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn