Tiến tới xã hội hóa công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình
Cập nhật ngày: 25/05/2015 13:40:17
Đầu năm 2012, ngành dân số tỉnh bắt đầu triển khai dự án tiếp thị xã hội (TTXH) các phương tiện tránh thai (PTTT) phi lâm sàng (bao cao su và viên uống tránh thai Nigth Happy). Năm 2014, ngành dân số tỉnh triển khai thêm đề án xã hội hóa PTTT lâm sàng (đặt vòng và tiêm thuốc) để dần thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi sử dụng PTTT của người dân từ miễn phí sang tự chi trả, tiến tới xã hội hóa hoàn toàn các PTTT, đảm bảo tính bền vững của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).
Cộng tác viên dân số đến tận nhà dân để tư vấn tiếp thị các phương tiện tránh thai
Hiện nay, việc cung cấp các PTTT trên phạm vi toàn tỉnh ở các đơn vị y tế công lập được thông qua 3 kênh: miễn phí, TTXH và xã hội hóa. Trong đó, kênh miễn phí hiện tại chỉ áp dụng cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách; kênh TTXH cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng nhưng có hoàn cảnh khó khăn không thuộc đối tượng miễn phí với hình thức trợ giá, chỉ chi 3.000/7.000 đồng cho vỉ thuốc tránh thai Nigth Happy và 300/800 đồng cho 1 bao cao su, phần còn lại do Nhà nước hỗ trợ. Đây là phương thức trung gian giữa miễn phí và thị trường thương mại, tạo sự chuyển đổi hành vi của người dân, từ việc sử dụng miễn phí sang hình thức tự chi trả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ để góp phần giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ, ban đầu triển khai công tác TTXH các PTTT gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là thói quen người dân sử dụng các PTTT miễn phí. Xác định công tác tuyên truyền là khâu then chốt trong thay đổi nhận thức và tạo cho người dân có thói quen cùng chi trả một phần khi sử dụng dịch vụ KHHGĐ, Chi cục đã triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức: tư vấn trực tiếp theo nhóm, phát bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng,... Qua đó, đã làm thay đổi dần từ quan niệm “bao cấp” trong lĩnh vực DS-KHHGĐ sang “cùng chi trả” tạo sự đồng thuận chấp nhận chi trả một phần của các đối tượng sử dụng bao cao su và viên uống tránh thai tại địa phương. Từ khi triển khai đến nay, tại 144 xã, phường, thị trấn đã tiếp thị được trên 321.000 bao cao su và trên 113.000 vỉ thuốc viên uống tránh thai.
Tiếp nối thành công bước đầu của dự án TTXH các PTTT, đầu năm 2014, Chi cục DS-KHHGĐ tiếp tục triển khai chương trình xã hội hóa các PTTT ở 4 bệnh viện tuyến tỉnh, 8 bệnh viện tuyến huyện với mức giá dịch vụ cho PTTT đặt vòng 61.000 đồng/ca và 11.000 đồng/ca tiêm thuốc (chưa tính giá vật liệu). Việc xã hội hóa các PTTT nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ và chăn sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao trách nhiệm của người cung cấp và của cả khách hàng, tiến tới xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ, chia sẻ gánh nặng ngân sách nhà nước, đảm bảo sự phát triển bền vững của chương trình DS-KHHGĐ. Tuy nhiên, việc triển khai dự án này trên địa bàn tỉnh chưa được nhiều người dân hưởng ứng.
Ông Lê Văn Hùng, Phó chi cục trưởng, Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: “Đẩy mạnh xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ là tất yếu, bởi chỉ khi nào người dân có đủ điều kiện và tự nguyện chi trả cho các nhu cầu DS-KHHGĐ thì công tác này mới đạt được kết quả bền vững. Khi đó, ngân sách nhà nước chỉ đảm bảo cho các đối tượng nghèo, yếu thế và có điều kiện đặc thù.
BÍCH LIỄU