Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Cập nhật ngày: 17/07/2022 05:50:29

ĐTO - Từ đầu năm đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cùng các đơn vị trực thuộc tại các huyện, thành phố trong tỉnh đã tổ chức kiểm tra, giám sát về công tác an toàn thực phẩm (ATTP) tại các địa phương trong tỉnh. Trong đó, chú trọng công tác kiểm tra ATTP tại các lễ hội, kỳ thi và căn tin trường học, khu vực ẩm thực tại các chợ, phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền sử dụng thực phẩm an toàn.


Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tổ chức kiểm tra an toàn thực phẩm ở các gian hàng trưng bày tại TP Cao Lãnh

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cùng các đơn vị trực thuộc tại các huyện, thành phố đã đến kiểm tra công tác ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm lớn và nhỏ lẻ, dịch vụ ăn uống về chiều tối, đêm. Ngoài ra, còn tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhanh, hỗ trợ các hoạt động chuyên môn và kết hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng. Đồng thời hướng dẫn các đơn vị trực thuộc quan tâm đến công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm; sẵn sàng phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm.

Tại các huyện, thành phố, Trung tâm Y tế, Phòng Y tế đã triển khai, thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác đảm bảo ATTP. Cụ thể như hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh hoàn thiện các thủ tục giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo quy định. Thành lập các đoàn kiểm tra và tiến hành lấy mẫu nhanh, xử lý đối với các trường hợp vi phạm lần đầu và vi phạm nhiều lần.

Tại huyện Lai Vung, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra các vụ việc ngộ độc thực phẩm. Trung tâm Y tế, Phòng Y tế huyện đã thực hiện tốt công tác phối hợp thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 8 cơ sở ăn uống, giải khát. Phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP huyện, kiểm tra 200 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Đã tiến hành lấy 94 mẫu thực phẩm kiểm tra nhanh, kết quả không phát hiện vi phạm theo quy định. Tại huyện Tháp Mười, Trung tâm Y tế, Phòng Y tế huyện cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra vệ sinh ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các Điểm thi tốt nghiệp THPT được bố trí trên địa bàn, căn tin trường học, khu vực chợ đêm, các địa điểm tổ chức lễ hội... Đến nay, đã kiểm tra định kỳ, thường xuyên hơn 20 cơ sở, kết quả kiểm tra, các cơ sở đều đảm bảo an toàn, không vi phạm ATTP.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, từ đầu năm đến nay, đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, bếp ăn tập thể đều thực hiện các quy định về lĩnh vực ATTP. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống và bếp ăn tập thể chưa thực hiện tốt các hướng dẫn của ngành chức năng, vẫn còn để tường, trần, nền nhà khu vực sản xuất, kinh doanh, kho bảo quản bị thấm nước, rạn nứt, ẩm mốc. Thực hiện không đúng hoặc không thực hiện quy định của pháp luật về chế độ kiểm, lưu mẫu thực phẩm, sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; mang găng tay thực phẩm. Chủ và người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn, uống, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP...

Thời gian tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị trực thuộc tổ chức các đợt kiểm tra ATTP tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và vận động người dân chủ động lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn. Bác sĩ Chuyên khoa 2 Võ Minh Phục - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo: “Để bảo đảm ATTP và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, bếp ăn tập thể cần đảm bảo các điều kiện ATTP phù hợp với quy mô sản xuất, kinh doanh. Người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn, uống phải có trách nhiệm, đạo đức trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng và xã hội... Bên cạnh đó, người trực tiếp bán hàng phải đeo khẩu trang, đội mũ, mang găng tay dùng trong thực phẩm; người tiêu dùng phải ăn chín, uống chín, thức ăn cần được nấu chín kỹ trước khi ăn; sau 2 giờ chưa ăn thì đun nóng lại trước khi ăn; không ăn thức ăn hỏng, mốc biến dạng. Thức ăn phải được che, đậy tránh chuột và côn trùng...”.

H.An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn