Huyện Hồng Ngự

Tình hình bảo vệ trẻ em có nhiều cải thiện

Cập nhật ngày: 28/10/2016 16:11:20

ĐTO - Ở huyện Hồng Ngự, thực hiện Chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em (TE) giai đoạn 2011 - 2015 và lồng ghép cùng các chương trình, chính sách khác đã góp phần cải thiện đáng kể tình hình bảo vệ TE. Các trường hợp TE bị xâm hại, bạo lực đã được các địa phương phát hiện và phối hợp can thiệp, giúp các em sớm vượt qua khó khăn...


Công ty thuốc bảo vệ thực vật Đông Nam Đức Thành (Tây Ninh) và Báo Đồng Tháp trao học bổng tiếp sức đến trường cho học sinh huyện Hồng Ngự. Ảnh: B.LIỄU

Đài Truyền thanh huyện và Trạm Truyền thanh các xã tuyên truyền 245 chuyên mục Công ước quốc tế về quyền TE, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE và các văn bản pháp luật có liên quan; phản ánh kết quả thực hiện công tác bảo vệ TE ở địa phương, giới thiệu những mô hình hay, điển hình trong công tác bảo vệ TE, đồng thời nhắc nhở, phê phán những hành vi vi phạm quyền TE. Hàng năm, huyện triển khai Tháng hành động vì TE với nội dung hướng đến một xã hội không bạo lực, xâm hại TE, không có TE nghèo thất học; tổ chức nhiều cuộc truyền thông, tư vấn tại các xã về các kiến thức bảo vệ TE cho các gia đình thuộc hộ nghèo, TE có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) và TE có nguy cơ rơi vào HCĐB... Hoạt động truyền thông, tư vấn nhóm tại địa bàn dân cư, trường học đã tác động tích cực đến nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ, chăm sóc TE của gia đình, cộng đồng xã hội và TE như: phát hiện nhiều TE có hoàn cảnh khó khăn, trẻ có nguy cơ bị xâm hại, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và nguy cơ vi phạm pháp luật; kịp thời tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ TE và gia đình nhận thức được những nguy cơ, các vấn đề đang gặp phải và có biện pháp phòng tránh, can thiệp kịp thời, phòng ngừa những nguy cơ gây tổn hại cho trẻ; các hoạt động hỗ trợ đời sống, dụng cụ học tập, hỗ trợ học nghề, khám chữa bệnh để trẻ được hưởng các quyền lợi tốt hơn.

5 năm qua, huyện tổ chức tập huấn cho 355 lượt cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc TE các xã và đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên ấp. Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND các xã đều được tập huấn công tác quản lý nhà nước về bảo vệ và chăm sóc TE,... góp phần nâng cao năng lực cán bộ các cấp trong việc tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án bảo vệ và chăm sóc TE. Hiện 6/11 xã của huyện có hoạt động của Ban Điều hành Hệ thống bảo vệ TE; hệ thống bảo vệ TE các cấp đã được mở rộng đến tận các ấp, đã tham gia phát hiện, báo cáo các trường hợp TE bị xâm hại nghiêm trọng và cung cấp các dịch vụ bảo vệ TE từ khâu phòng ngừa, ngăn chặn, phục hồi đến tái hòa nhập dựa vào cộng đồng. Hệ thống bảo vệ TE đã tiếp cận, thu thập thông tin, nắm bắt kịp thời các vấn đề TE đang gặp phải và có kế hoạch phối hợp can thiệp trợ giúp trên 572 TE vượt qua tình trạng khó khăn. Bên cạnh đó, huyện chọn 3 xã: Thường Thới Tiền, Long Khánh A, Long Thuận làm thí điểm trong phòng ngừa, trợ giúp TE bị xâm hại tình dục, bạo lực, dựa vào cộng đồng. Theo đánh giá của UBND huyện, thời gian qua, có 80% TE khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình và phục hồi chức năng, giáo dục và các dịch vụ công cộng; 97% TE bị bỏ rơi, TE mồ côi không nơi nương tựa được chăm sóc; 95% TE được phát hiện bị xâm hại tình dục, TE bị bạo lực được can thiệp, trợ giúp;...

Huyện Hồng Ngự có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh (17,09%) nên tỉ lệ TE trong gia đình nghèo cao, phần lớn sống trong gia đình làm nông nghiệp, số còn lại cha mẹ lao động ở Bình Dương, Sài Gòn... nên trẻ không có điều ở gần cha mẹ nhiều; cha mẹ lo lao động mưu sinh ít có thời gian quan tâm con cái. Trẻ sống trong gia đình nghèo nên mọi điều kiện để trẻ phát triển còn thấp và rất dễ rơi vào nguy cơ HCĐB và HCĐB. Ông Lê Văn Hồng – Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hồng Ngự cho biết, khó khăn nhất hiện nay trong công tác bảo vệ chăm sóc TE của huyện là tỉ lệ trẻ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội còn cao (mồ côi cha hoặc mẹ thuộc diện khó khăn, cha mẹ bỏ rơi không có chứng nhận mất tích). Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu phát triển của trẻ còn thiếu rất nhiều, đặc biệt các bể bơi. Huyện sẽ đẩy mạnh thông tin, truyền thông, giáo dục trên Đài Truyền thanh huyện về nâng cao nhận thức về bảo vệ TE; tăng cường phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo nắm bắt thông tin quản lý TE trong trường học, đặc biệt là vấn đề bạo lực học đường; phối hợp Trung tâm Y tế thí điểm mô hình công tác xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc can thiệp, trợ giúp cho các em có HCĐB và nguy cơ rơi vào HCĐB; duy trì truyền thông tư vấn gia đình có TE về nguy cơ tử vong do đuối nước bằng các hình thức phát tờ rơi, thông qua buổi sinh hoạt dưới cờ trong trường... hướng dẫn gia đình thực hiện tốt tiêu chí ngôi nhà an toàn;... huyện đề ra mục tiêu chung là tất cả TE đều được bảo vệ để giảm nguy cơ rơi vào HCĐB, chú trọng bảo vệ TE để không bị xâm hại, TE có HCĐB được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn