Trong giai đoạn khó khăn, Công đoàn cần đồng hành cùng doanh nghiệp
Cập nhật ngày: 16/04/2014 11:39:43
Công đoàn Việt Nam có 3 chức năng: đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ); tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục, động viên CNVCLĐ phát huy quyền làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một buổi hội nghị đối thoại tổ chức tại Khu Công nghiệp Sa Đéc
Thực tế hiện nay, khi nói đến hoạt động công đoàn hầu hết chỉ xoay quanh chức năng chăm lo, bảo vệ và tuyên truyền giáo dục, ít có nơi quan tâm thực hiện chức năng tham gia quản lý. Do đó, hoạt động công đoàn không thoát ra được câu mà nhiều người hay nói nôm na là lo “Cơm, áo, gạo, tiền”. Để khẳng vị trí và tầm quan trọng của công đoàn thì hoạt động công đoàn phải chú trọng hơn đến chức năng tham gia quản lý, nhất là công đoàn ở các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cần nhận thức rằng, công đoàn tham gia quản lý chứ không làm thay, không cản trở công việc quản lý của người sử dụng lao động. Công đoàn tham gia quản lý thực chất là để thực hiện quyền của công đoàn, quyền của CNVCLĐ và để bảo vệ đầy đủ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Do đó, cần quan tâm đến việc phát triển tiềm năng lao động, phát huy sáng kiến của người lao động, cùng người sử dụng lao động tìm nguồn vốn, thị trường để mở rộng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động; kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp, chống tiêu cực, lãng phí và tham nhũng; thường xuyên tuyên truyền phổ biến pháp luật, giáo dục tác phong lao động công nghiệp, nâng cao ý thức trách nhiệm cho công nhân lao động (CNLĐ), biết chia sẻ cùng doanh nghiệp trong lúc khó khăn; giải quyết thắc mắc, tranh chấp lao động bằng phương pháp hòa giải, không để xảy ra đình công, lãn công trái pháp luật. Được như vậy thì mới thể hiện được sự đồng hành của công đoàn cùng doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Để thực hiện tốt công tác này, hoạt động công đoàn ở các doanh nghiệp cần thực hiện các nội dung như: tổ chức phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng năng suất, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong CNVCLĐ. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, công đoàn cần vận động thực hiện tiết kiệm chi phí, nguyên, vật liệu, quỹ lương là giải pháp hữu hiệu để tăng năng suất lao động. Đây còn là biện pháp tổng hợp để công đoàn trực tiếp tham gia quản lý.
Bên cạnh đó, công đoàn cần tham gia xây dựng các giải pháp tạo việc làm và điều kiện làm việc cho CNLĐ; tham gia xây dựng, hoàn thiện các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người lao động như: nội quy lao động, thỏa ước lao động, quy chế tiền lương, tiền thưởng, nhà ở, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, cứu trợ xã hội, các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ...; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách của đơn vị nhất là chế độ tiền lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thường xuyên tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật và kịp thời tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của người lao động; phối hợp tổ chức tốt Hội nghị người lao động để phát huy dân chủ ở doanh nghiệp, phát huy tính năng động, sáng tạo của người lao động; phối hợp với người sử dụng lao động định kỳ hàng quý tổ chức đối thoại với người lao động.
Thanh Thảo