Tự lực vươn lên thoát nghèo

Cập nhật ngày: 28/08/2013 06:08:27

Nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, phải chạy gạo ăn từng bữa nhưng qua siêng năng, chăm chỉ trong lao động họ vươn lên thoát nghèo.

Gia đình anh Nguyễn Văn Lý (SN 1967) ở ấp 1, xã Phú Ninh, huyện Tam Nông là một trong những điển hình về ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo. Quê gốc anh ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, cuộc sống khó khăn, túng quẫn, năm 2001, vợ chồng anh dìu dắt hai con (lúc đó, đứa lớn học lớp 5, đứa nhỏ học mẫu giáo) vào xã Phú Ninh, huyện Tam Nông tìm kế sinh nhai, ở tạm gian nhà cũ, lụp sụp của người em vợ.


Nhờ chăm chỉ lao động mà anh Nguyễn Văn Lý đã thoát nghèo

Để lo cuộc sống hằng ngày và chăm lo cho hai con được học hành, vợ chồng anh Lý làm mọi việc từ cắt lúa mướn, lặn đất thuê đến phụ hồ, bốc vác... Anh Lý nhớ lại: “Lúc mới vào khổ lắm. Cả nhà có lúc chỉ có hai vắt mì để ăn. Vợ chồng mình ráng chịu đói nhường hết cho các con”. Do tính chịu khó, siêng năng chăm chỉ lao động nên người dân địa phương rất chuộng thuê mướn vợ chồng anh làm. Sau vài năm làm thuê, gia đình anh đã sang nhượng được 1 công đất (1.000m2) cặp Quốc lộ 30 và dựng tạm căn nhà nhỏ để “an cư lạc nghiệp”.

Diện tích còn lại xung quanh nhà, gia đình anh trồng hoa màu tăng thêm thu nhập, đồng thời tiếp tục đi làm thuê. Do biết tiết kiệm, dần dần cuộc sống gia đình anh Lý bớt khó khăn. Sau những nỗ lực vượt khó của gia đình anh, năm 2010 con trai lớn của anh tốt nghiệp lớp Trung cấp Dược - Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp và có việc làm, thu nhập ổn định. Đầu năm 2012, gia đình anh được địa phương công nhận thoát nghèo. Sau bao năm tích góp, hiện gia đình anh đã cất được căn nhà tường kiên cố trị giá hơn 200 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Lý phấn khởi nói: “Trước đây, gia đình mình khổ tâm lắm, nhận những sự hỗ trợ của Nhà nước cho hộ nghèo rất mừng, nhưng mặt khác mình cũng thấy ái ngại, vì thế phải quyết chí làm ăn. Thoát nghèo được gia đình vui lắm, giờ phải phấn đấu phát triển kinh tế gia đình thêm”.

Trên địa bàn xã Bình Thành, huyện Thanh Bình cũng có nhiều gia đình tự lực vươn lên thoát nghèo, điển hình là gia đình ông Lâm Văn Hiền (SN 1963) ở ấp Bình Thuận. Năm 2005, vợ chồng ông Lâm Văn Hiền và 4 con nhỏ về sống tại tuyến dân cư Bình Thuận, căn nhà để gia đình tá túc là nhà “Nghĩa tình đồng đội” do các đồng chí, đồng đội cùng tham gia chiến trường Campuchia cất tặng. Trong nhà trống hoác, chỉ có 1 chiếc giường để ngủ. Không ruộng đất, không nghề nghiệp, gia đình ông cắt lúa mướn, làm cỏ thuê, giăng câu, giăng lưới,... để sống.


Ông Lâm Văn Hiền và cháu ngoại

Cẩn thận và siêng năng trong công việc, ngày nào gia đình ông cũng có người tìm đến thuê mướn lao động. 4 người con của ông cũng tìm việc làm phụ giúp gia đình. Cuộc sống gia đình từng bước ổn định, năm 2012 ông xin địa phương cho gia đình ra khỏi diện hộ nghèo. Ông Hiền tâm sự: “Mình là Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh của ấp nên phải làm gương cho mọi người. Nhìn lên thì gia đình mình không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì cuộc sống đã đỡ vất vả hơn nhiều hộ khác, vì vậy mình xin thoát nghèo”.

Trong những ngày này, gia đình ông Lâm Văn Hiền có niềm vui lớn khi căn nhà của gia đình vừa được đầu tư sửa sang khang trang, rộng rãi với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng.

Xóa đói giảm nghèo là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước để giúp người nghèo phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, thời gian qua đã có không ít những trường hợp hộ nghèo không chịu tự lực phấn đấu vươn lên (lười lao động), trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Gia đình anh Nguyễn Văn Lý và Lâm Văn Hiền là những gương điển hình cho nhiều hộ gia đình nghèo phấn đấu, noi theo.

P.Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn