Tự nguyện xin thoát nghèo

Cập nhật ngày: 20/05/2015 13:51:47

Những năm gần đây, nhiều hộ nghèo ở huyện Lai Vung đã ý thức được muốn thoát nghèo thì phải tự lực cánh sinh, phải tự vươn lên mới thật sự bền vững. Từ ý thức đó, nhiều hộ nghèo đã mạnh dạn tự nguyện đăng ký xin thoát nghèo.


Anh Phan Thanh Định luôn cần cù lao động để vươn lên

Chị Nguyễn Thị Lan ngụ ấp Long Hội, xã Hòa Long là một trong 155 hộ tự nguyện xin thoát nghèo của huyện Lai Vung trong năm 2014. Vài năm trước, gia đình chị Lan nằm trong tốp những hộ nghèo nhất của xã Hòa Long. Năm 2008, chồng chị Lan bị tai biến và mất. Nén nỗi đau trước sự ra đi đột ngột của chồng, chị Lan đã cật lực lao động lo cho đứa con trai ăn học. Mối lo cơm áo gạo tiền luôn đè nặng trên đôi vai gầy yếu của người phụ nữ bé nhỏ này. Từ năm 2010, được chính quyền địa phương giới thiệu vay 4 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, chị Lan mở quán giải khát và buôn bán tạp hóa nhỏ tại nhà, nhận nấu ăn cho Xã đội Hòa Long, đồng thời tranh thủ thời gian rảnh, chị đan thêm lờ lọp để kiếm thêm thu nhập. Đầu năm 2014, chị Lan đem số tiền dành dụm cất ngôi nhà cấp 4. Cất được ngôi nhà, chị càng quyết tâm lao động, tăng gia sản xuất, nên kinh tế gia đình dần ổn định. Cuối năm 2014, gia đình chị tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Chị Lan phấn khởi chia sẻ: “Thời gian qua, gia đình tôi đã nhận được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước rất nhiều. Bây giờ kinh tế gia đình khá hơn trước, mẹ con tôi đã có thể tự lực cánh sinh, nên tôi tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo để những bà con nghèo hơn, khó khăn hơn được hỗ trợ”.

“Tự nguyện xin thoát nghèo để mình phấn đấu, không nên dựa hoài vào sổ hộ nghèo và trợ cấp hàng tháng”, là lời chia sẻ của anh Phan Thanh Định ở Xã Hòa Long. Gia đình anh Định cũng thuộc diện khó khăn nhất, nhì trong xã: vợ chồng có 2 đứa con nhưng chỉ có một công ruộng. Hàng ngày, ngoài làm ruộng nhà, vợ chồng anh Định đi làm thuê, những ngày không làm thì vợ chồng đan bội để kiếm thêm thu nhập lo cho 2 con ăn học. Làm lụng vất vả nhưng kinh tế gia đình vẫn không cải thiện. Năm 2012, anh Định được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội mua 2 con bò nuôi vỗ béo. Sau 1 năm chăm sóc, xuất chuồng, trừ chi phí gia đình anh lời khoảng 15 triệu đồng. Anh đã xuất bán bò được 2 đợt (mỗi đợt 2 con), hiện tại anh đang nuôi thêm 3 con, gần xuất chuồng. Mặc dù chưa đến hạn trả vốn vay nhưng gia đình anh đã hoàn lại vốn cho ngân hàng. Được sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng vợ chồng anh không hề ỷ lại mà luôn phấn đấu làm việc, học hỏi khoa học kỹ thuật, cải tạo đất trồng trọt, phát triển chăn nuôi nên kinh tế gia đình dần cải thiện. Gia đình anh Định là một trong những gia đình tiên phong tự nguyện xin thoát nghèo của xã Hòa Long.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lai Vung cho biết: “Những hộ dân tự nguyện xin thoát nghèo của huyện nói chung rất chăm chỉ làm ăn. Nhiều chủ hộ là phụ nữ cũng tích cực làm ăn và tự xin ra khỏi diện hộ nghèo. Chúng tôi đánh giá rất cao ý thức tự giác của họ. Đây là tín hiệu khả quan trong công tác giảm nghèo của huyện. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, khơi dậy ý thức tự vươn lên phấn đấu thoát nghèo, không còn trong chờ ỷ lại sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước trong nhân dân”.

Tự nguyện xin thoát nghèo cho thấy ý thức của người dân huyện Lai Vung đã và đang dần được nâng lên. Tinh thần này đang lan tỏa, làm cơ sở để huyện về đích mục tiêu giảm nghèo bền vững.

BÍCH LIỄU

Năm 2014, toàn huyện có 980 hộ thoát nghèo (giảm 2,38% so với năm 2013), trong đó có 155 hộ tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn