Về quê dỡ chà, tát đìa ăn Tết...

Cập nhật ngày: 24/01/2020 05:56:54

ĐTO - Hàng năm cứ vào độ 29 hoặc 30 Tết Nguyên đán, người dân quê tôi lại rôm rả dỡ chà, tát đìa ăn Tết. Trong không khí se se lạnh của những ngày cuối năm, được về quê trải nghiệm những “thú vui” này cùng bà con mới cảm nhận được không khí ấm cúng của ngày Tết cổ truyền.


Cảnh dỡ chà bắt cá vào những ngày giáp Tết ở quê tôi

Dỡ chà trên sông

Chất chà trên sông là nét văn hóa có từ lâu đời của người dân Nam bộ quê tôi. Như đã thành thông lệ, cứ tầm tháng 10 âm lịch là bà con chuẩn bị chất những đống chà trên sông để có cá, tôm ăn Tết. Trên những đoạn sông sâu trước nhà, người dân thường giăng những chiếc lưới lớn (chà lưới rộng từ 70 - 80m) rồi chất nhánh cây me nước, cây sao... để dụ cá. Sau khi hoàn thành đống chà, lâu lâu, bà con lấy cám ra rải xuống mùng để “nhử” cá, tôm vào ăn và trú ngụ.


Tôm dỡ chà là tôm thiên nhiên nên khi chế biến món ăn rất thơm ngon

Đống chà sau khi chất, khoảng 2 tháng sau thì cánh đàn ông - những người lặn giỏi sẽ bắt đầu lặn xung quanh đống chà để bao lưới. Một số khác thì nhổ cọc, tháo rượng, dỡ chà và từ từ thu hẹp dần vòng lưới lại để gom bắt cá. Bình quân 1 đống chà cần khoảng 7 - 10 người có tay nghề, họ dỡ suốt 2 tiếng đồng hồ mới xong.

Cá bắt được trong chà phần lớn là các loại cá trắng như mè vinh, cá éc, cá he, rô phi... Dịp Tết, người ta dỡ chà để đem cá ra chợ bán có tiền mua sắm Tết, số còn lại để dùng trong nhà và biếu bà con chòm xóm, nhất là những người cùng phụ giúp dỡ chà.


Mọi người trong xóm cùng nhau phân loại cá đem bán hoặc để dành ăn trong những ngày Tết

Chú Nguyễn Văn Long (67 tuổi) ngụ ấp Tân Văn, xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh, ngư dân có kinh nghiệm hơn 30 năm chất chà nhớ lại: “khoảng 10 - 15 năm về trước, độ 29 Tết là nhà nào cũng dỡ chà bắt cá ăn Tết. Dịp này, những người ở xóm thường vần công nhau rồi chia cá về ăn, vui lắm. “Cá tôm những năm đó thì nhiều vô số kể, mỗi đống chà có khi dỡ thu được mấy trăm ký cá (tùy theo con nước), ăn không hết, phải đem đi bán ở chợ đầu mối. Chỉ tính khâu bán cá dỡ chà cũng xoay đủ cái Tết. Bây giờ cá tôm ít hơn ngày xưa rất nhiều, mỗi đống chà dỡ được chừng vài chục ký, đủ để biếu cho bà con chòm xóm và dùng trong mấy ngày Tết chứ dư dả ra để bán thì không có. Thế nhưng, nghề này như là nét truyền thống của dân quê mình rồi, dù nhiều hay ít thì cũng dỡ chà, bắt cá ăn Tết...”.


Bắt cá trong đìa

Nhớ mùa tát đìa ăn Tết

Một nét văn hóa đặc trưng sông nước khác mà đến nay người dân miền Tây quê tôi vẫn còn giữ đó là tát đìa ăn Tết...

Khác với dỡ chà trên sông, tát đìa là hoạt động được làm ở sau nhà của người dân. Do hồi xưa nhà nào cũng đào đìa quanh nhà, có nhà chừng 4-5 cái. Mùa nắng thì vét sâu rồi thả chà và lục bình để giữ cá để dành đến cuối năm tát đìa ăn Tết.

Thông thường, việc tát đìa được diễn ra đúng ngày 30 tháng Chạp để bắt cá tép làm món ngon cúng ông bà và chuẩn bị các món ăn dùng trong 3 ngày Tết. Cứ đến ngày 30 Tết, bà con trong xóm xúm lại bắt cá phụ để kịp chuẩn bị chế biến các món cho ngày rước ông bà cuối năm. Lũ con nít trong xóm cũng chờ đợi đến ngày bắt cá cạn này để mang thau, rổ ra, cùng nhau lội xuống mương bắt cá.


Tát đìa, một nét văn hóa đặc trưng vùng sông nước

Cá trong đìa thường đủ loại, nào là cá rô, cá mè vinh... có khi may mắn được nhiều cá lóc, cá trê thì mang ra chợ bán lấy tiền sắm Tết. Số còn lại thì “thủ” sẵn trong nhà những ngày Tết để tiếp đãi bà con, bạn bè. Trong đó, món thường được đãi trong ngày Tết là cá lóc nướng trui, món này được gói bánh tráng kèm rau sống, dưa cải chấm kèm với nước mắm thì ngon không gì bằng. Những ai vui Tết ở miền Tây đều rất thích món ăn này, bởi đây là món vừa ngon lại vừa mang hương vị đặc trưng của miền sông nước...

Tôi cũng từng trải qua những kỷ niệm tát đìa ở quê thời thơ ấu. Hồi đó, nhà không khá giả, đông chị em nên Tết đến là mấy anh, chị em tôi tranh thủ xách giỏ đi “bắt hôi” (cá nhỏ còn sót lại) để dành dùng trong những ngày Tết. Nhớ lại lúc bắt cá, trẻ con chúng tôi ngồi lỏm ngỏm chờ cá ngóc lên là “chộp đầu”, có khi thấy con cá, cả đám nhào lại tranh, mặt mũi đứa nào đứa nấy lấm lem sình đất. Thỉnh thoảng có đứa bắt được con cá lóc là thích thú la toáng lên...

Bây giờ, cá, tôm, tép hiếm hoi, chuyện tát đìa ăn Tết không còn rôm rả như xưa, vậy nhưng người dân quê tôi vẫn luôn giữ được nét văn hóa truyền thống tát đìa để đón Tết cổ truyền. Là người con xa quê, năm nay, tôi sẽ về quê cùng bà con tát đìa, dỡ chà bắt cá ăn Tết...

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn