Tăng cường công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai
Cập nhật ngày: 23/06/2014 04:12:00
Từ đầu năm 2014 đến nay, trong tỉnh đã xuất hiện giông lốc làm sập, xiêu vẹo, tốc mái nhiều căn nhà, làm nhiều hoa màu bị đổ ngã, ước thiệt hại 968 triệu đồng.
Cụm dân cư đảm bảo an toàn cho người dân trong phòng, chống thiên tai
Giông lốc xảy ra tại các xã Bình Thành, Vĩnh Thạnh, Long Hưng B, Định An, Mỹ An Hưng B, Mỹ An Hưng A của huyện Lấp Vò làm tốc mái, sập trên 40 căn nhà. Giông lốc cũng làm thiệt hại lớn tại các xã An Long, Phú Thành A, Phú Thành B, Phú Thọ, Phú Cường, huyện Tam Nông ước thiệt hại về nhà ở gần 300 triệu đồng. Ngoài thiệt hại về nhà ở, giông lốc còn làm thiệt hại 625ha lúa, hoa màu tại huyện Tân Hồng, ước thiệt hại 130 triệu đồng. Sau khi giông lốc xảy ra, các địa phương đã vận động người dân, hội đoàn thể hỗ trợ người bị thiệt hại sớm khắc phục hậu quả.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Đồng Tháp, mùa mưa bắt đầu trong khoảng giữa tháng 5, kết thúc khoảng cuối tháng 11. Đầu năm 2014, áp thấp nhiệt đới xuất hiện sớm ở phía đông biển Đông, vì vậy, trong mùa mưa, bão, lũ năm 2014, tình hình thời tiết sẽ diễn biến phức tạp.
Chủ động đề phòng bão, lũ, triều cường, giông lốc, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Theo đó, mỗi địa phương phải xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai, đề ra phương án bảo vệ các khu vực và công trình trọng điểm từ khóm, ấp đến cấp tỉnh; riêng cấp xã phải triển khai thực hiện phương án ứng phó với lũ lớn, bão và áp thấp nhiệt đới đến tận hộ dân. Trung tâm Khí tượng Thủy văn Đồng Tháp chủ động công tác dự báo, cảnh báo, thông tin tuyên truyền về tình hình giông lốc đến với người dân. Chính quyền địa phương hướng dẫn và nhắc nhở các cơ quan, đơn vị và nhân dân gia cố, chằng chống nhà cửa và các công trình kết cấu hạ tầng phòng, chống sét, giông lốc, bão.
Trong năm 2014, cùng với công tác phòng, chống thiên tai, Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng được triển khai, thực hiện nhằm tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng. Theo đề án, người dân trong khu đê bao thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng cùng cán bộ cấp xã, huyện sẽ được tiếp nhận các thông tin về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và quản lý công trình thủy lợi an toàn trước thiên tai. Huyện Tháp Mười sẽ tổ chức 1 cuộc diễn tập điểm cấp huyện về công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.
Các ngành liên quan và chính quyền địa phương sẽ vận động và hỗ trợ di dời 1.000 hộ dân trong vùng sạt lở, vùng ngập sâu đến nơi an toàn; duy trì, tổ chức 376 nhóm trẻ cộng đồng, giữ 6.619 cháu, mở thêm các điểm giữ trẻ bán trú ở nông thôn; tổ chức 1.017 lớp dạy bơi cho 25.425 trẻ em từ 7 đến 15 tuổi; duy trì 486 đội cứu hộ cứu nạn với 3.263 thành viên, trong đó có 257 chốt cứu hộ cứu nạn xung yếu với 1.673 thành viên. Song song đó, công tác bảo vệ sản xuất, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ người dân cũng được tăng cường thực hiện theo phương châm “Bốn tại chỗ” và yêu cầu “Ba sẵn sàng”, giảm thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.
C.Phương