Xuất khẩu lao động Đồng Tháp trên đà phát triển

Cập nhật ngày: 17/02/2016 12:35:25

Trước kia nhiều người lao động (LĐ) trong tỉnh Đồng Tháp, trong đó có cả một số cán bộ các cấp các ngành thường quan niệm xuất khẩu lao động (XKLĐ) là để xóa đói giảm nghèo và cũng có người khi nghe nói đến XKLĐ là nói ngay: “Đi làm gì, ở trong nước làm phải sướng hơn không? Đi ra đó làm thuê, để người ta bóc lột”... Nhưng hiện quan niệm đó đã thay đổi nhiều nhờ thực tế thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy.

Trước đây ở tỉnh Nghệ An, người LĐ và cán bộ cũng nghĩ đi XKLĐ là để xóa đói giảm nghèo nhưng sau nhiều năm kiên trì vận động XKLĐ, nhận thức của người dân đã đổi thay, người dân Nghệ An đã coi XKLĐ là giải pháp làm ăn tối ưu đem lại hiệu quả nhanh nhất, chắc chắn nhất mà rủi ro cũng ít nhất.

Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Nghệ An mỗi năm có 11.500 LĐ đi XKLĐ, số LĐ Nghệ An đang làm việc ở nước ngoài gần 50.000 người, thu nhập gửi về gia đình qua ngân hàng của tỉnh mỗi năm hơn 300 triệu đô la Mỹ. Bình quân mỗi gia đình có người XKLĐ thu nhập hơn 175 triệu đồng/năm.

Ở tỉnh Đồng Tháp từ năm 2002 đến nay đã có hơn 8.000 LĐ ra nước ngoài làm việc theo các chương trình XKLĐ do Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đồng Tháp làm đầu mối của tỉnh đưa đi. Tuy tổng số LĐ Đồng Tháp đi XKLĐ không bằng số LĐ của tỉnh Nghệ An đi trong 1 năm, nhưng trong số hơn 8.000 LĐ tham gia có hơn 780 LĐ đi Hàn Quốc, gần 800 LĐ đi Nhật Bản và 1.700 LĐ đi Đài Loan. Có thể nói đi XKLĐ vào các thị trường LĐ này hầu như 99% người tham gia đã thành công, số rủi ro và không thành công là rất ít (chưa đến 10 người).

Ở Đồng tháp bắt đầu có nhiều LĐ tham gia XKLĐ cùng là con cháu của một gia đình. Ở huyện Lấp Vò có gia đình ông Trần Văn Thường có 8 con cháu tham gia XKLĐ; huyện Cao Lãnh có gia đình ông Nguyễn Minh Hoàng có 3 con cháu tham gia XKLĐ; huyện Tam Nông có gia đình ông Tám Thư có 4 người con đi XKLĐ...

Hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại từ việc cho con em tham gia XKLĐ là không thể phủ nhận, nhưng tại sao dân Đồng Tháp còn ít người LĐ tham gia. Trước hết phải thừa nhận người LĐ còn thiếu thông tin về thị trường LĐ nước ngoài, thứ hai là do tính cách của dân, có khi làm ăn được là âm thầm làm mà ít chịu nói ra sự thật để người không biết làm theo, sợ người khác giàu hơn mình và lý do thứ ba là người không biết sự thật thì tỏ ra là mình biết hơn người khác nên nói theo nhận thức chủ quan làm cho dư luận lan truyền: “XKLĐ là không hay, là bị người ta bóc lột”.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp là đầu mối duy nhất của tỉnh thực hiện việc đưa người đi XKLĐ. Trung tâm có thể ghi tên từng người, từng địa chỉ LĐ đã XKLĐ để người LĐ trong tỉnh đến từng nhà khảo sát thực tế khó khăn, thuận lợi và hiệu quả của quá trình tham gia XKLĐ. Có thể khẳng định từ năm 2005 đến nay, Trung tâm đưa 785 LĐ đi Hàn Quốc XKLĐ, gần 800 LĐ đi Nhật Bản, chỉ có 1 LĐ chẳng may bị tai nạn giao thông qua đời và gia đình em được lãnh bảo hiểm hơn 1 tỷ đồng, 1 LĐ bị tai nạn giao thông đang nằm viện, còn lại tất cả các LĐ khác đều thành công. Thu nhập sau 4 năm 10 tháng làm việc ở Hàn Quốc, mỗi LĐ tích lũy cho gia đình khoảng 1 tỷ đồng, ở Nhật Bản thu nhập sau 3 năm có tích lũy khoảng 700 triệu đồng.

Mong rằng, trong thời gian tới có nhiều LĐ và gia đình LĐ trong tỉnh Đồng tháp tìm đến Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đồng Tháp để nghe tư vấn, hoặc xin địa chỉ các gia đình có LĐ tham gia XKLĐ năm 2014-2015 để khảo sát thực tế, từ đó vững tâm tham gia XKLĐ và làm giàu nhanh như các gia đình LĐ ấy. Tin rằng, vài ba năm nữa, XKLĐ được mọi người đánh giá đúng thực chất và khi gia đình có điều kiện thì sẵn sàng tham gia. Trước mắt là thực hiện kế hoạch của tỉnh, năm 2016 đưa 864 LĐ Đồng Tháp đi làm việc ở nước ngoài.

Băng Sơn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn