Đạo và Đời - hiểu thêm “Đạo” của Karl Marx
Cập nhật ngày: 13/08/2024 10:47:53
ĐTO - Đạo nói ở đây không thuần túy về tôn giáo. Chúng ta bàn luận về các lý thuyết định hình, định hướng xã hội và sự vận động của xã hội theo các quy luật riêng của nó. Hiểu thêm được điểm này sẽ giúp chúng ta có cơ sở nắm cội nguồn của lý luận và đồng thời khám phá về “cây đời mãi mãi xanh tươi” như câu nói nổi tiếng của Đại thi hào người Đức Johann Wolfgang von Goethe (dịch tiếng Việt: Gớt, 1749 - 1832).
Theo nghĩa đen của chữ Hán, Đạo được hiểu là con đường và với nghĩa bóng, Đạo là một khái niệm trừu tượng về con đường, phương hướng, đường lối dẫn dắt con người đến mục tiêu hay lý tưởng nào đó. Diễn đạt dễ hiểu hơn, Đạo là những lý thuyết định hướng con người trong xã hội phấn đấu đạt được một khát vọng nào đó. Còn Đời có rất nhiều nghĩa khác nhau. Với góc độ của bài, Đời là sự sống xã hội của con người. Đó là toàn bộ hoạt động sống của con người (động vật xã hội) bao gồm: ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh, đời sống sinh lý... Để mưu cầu cuộc sống, con người phải tìm kế sinh nhai nên liên kết với nhau trong lao động và qua đó, hình thành xã hội người với các quy luật “tự thân” của nó. Như vậy, Đời với cuộc sống hiện thực của con người tự nó không là “bể khổ” hay “thiên đường trần gian”. Đạo đã và đang lý giải Đời bằng nhiều cách khác nhau.
Trên cơ sở tiếp nhận chân lý, một vài cá nhân có tư tưởng vượt trội đã chiêm nghiệm đời sống xã hội đưa ra các ý tưởng (Đạo) để lý giải cuộc sống và “đề xuất” cách thức sống sao cho khác trước. Dĩ nhiên, họ luôn nghĩ cách ấy sẽ là mỹ mãn nhất. Trong lịch sử xã hội loài người, hàng loạt Đạo “đua nở” và trong đó, một số Đạo có tác động rộng lớn trên nhiều cộng đồng và dân tộc. Đạo và Đời gắn bó với nhau rất mật thiết. Nhưng, Đạo không phải lúc nào cũng song hành với Đời và dẫn dắt Đời đúng như sự vận hành của Đời. Sự không trùng khớp giữa Đạo và Đời có thể nhận diện ở hai điểm:
Tính chất khái quát của Đạo
Thông qua cảm nhận, ghi nhận, phân tích, tư duy về thế giới tự nhiên và đời sống xã hội, những nhân vật có trí tuệ cao đã phát họa những nét căn cốt về Đạo của mình. Do những hoàn cảnh xã hội nhất định, Đời chỉ bộc lộ những mặt, những khía cạnh của nó. Từ những cảm quan riêng, Đạo bao giờ cũng mang tính khái quát cao. Nó là “cái chung” nên không bao quát đầy đủ “cái riêng” với những mặt vô cùng chi tiết và phong phú của đời sống xã hội. Chẳng hạn, khi ngẫm nghĩ về đời sống xã hội, ta có thể cho rằng con người cần phải ăn mới sống. Nhưng, ăn lại rất đa dạng về loại thực phẩm, cách chế biến, cách thưởng thức, khẩu vị... Chính điều này nhắc nhở chúng ta phải biết vận dụng Đạo vào Đời, áp dụng Đạo phù hợp với những điều kiện, hoàn cảnh của Đời. Lão Tử có lưu ý rằng: “Đạo khả đạo, phi thường Đạo” (Tạm dịch: Đạo mà có thể thuyết nói rõ ràng minh bạch thì không phải là Đạo thường hằng bất biến).
Tính chất chủ quan của Đạo
Do kế thừa lý thuyết của những người trước mình và từ nhìn nhận cuộc sống chung quanh, người đưa ra Đạo có những kiến giải về tự nhiên, xã hội và con người cũng như các “kiến nghị” của họ cho tương lai. Xuất thân khác nhau, hoàn cảnh sống và góc nhìn hẹp đối với thế giới muôn màu, họ chỉ có thể nêu những ý tưởng về một hay một số vấn đề nào đó trong cái “bể bao la” của Đời. Hơn thế, Đời là những sinh linh với các giai tầng, sinh sống ở các vùng (lãnh thổ) khác nhau, hoạt động theo những quy luật nội tại làm sao có thể phản ánh đầy đủ để người làm Đạo có thể thu nhận hết. Đạo chỉ tiệm cận Đời. Đạo là cái chủ quan của cái khách quan (Đời).
Xem xét về Đạo và qua một số Đạo, chúng ta mới rõ hơn về tính khoa học và cách mạng của học thuyết Karl Marx. Khi nghiên cứu về sự mưu cầu cuộc sống của loài người, Marx chỉ ra rằng, con người luôn cải tiến công cụ sản xuất và qua đó thay đổi cách thức sản xuất. Từ đây, con người thay đổi các quan hệ xã hội (quan hệ chính trị) và điều đó làm cho hình thái kinh tế - xã hội này chuyển sang hình thái kinh tế - xã hội khác cao hơn, ngày càng hoàn thiện hơn - và rồi “sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản). Đây chính là điểm cốt lõi Đạo của Marx. Đạo của ông dựa vào Đời chỉ ra khuynh hướng “phát triển tự nhiên” của Đời và bởi chính con người. “Thiên đường trần gian” từ “Lấy sức ta mà giải phóng cho ta” vì chỉ có hành động mới thay đổi được con người, được xã hội, được thiên nhiên.
Kể từ khi vượt lên trên đời sống động vật, Đạo xuất hiện và luôn luôn gắn bó với Đời và định hướng phát triển Đời. Tuy Đời vươn lên theo những chỉ dẫn của Đạo, Đời lại có cuộc sống riêng với những quy luật nội tại của mình. Đời “mãi xanh tươi” với những bi kịch và hạnh phúc. Nếu Đạo không sát với Đời, không “hiểu” Đời, Đạo đã và sẽ “màu xám”, tàn úa. Do vậy, khi và chỉ khi Đạo hòa quyện với Đời thì Đạo mới thăng hoa.
DÂN BIỆN