Hiểu thêm về tính cách mạng và xu hướng của đạo đức cách mạng

Cập nhật ngày: 05/08/2024 13:16:25

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240805011716dt2-2.mp3

 

ĐTO - Đối với Việt Nam nói riêng, hầu hết các nước trên thế giới nói chung, đạo đức đã trở thành nền tảng của cuộc sống con người. Cùng với pháp luật và các quy tắc khác, đạo đức định hướng hành vi con người trong các mối quan hệ. Đạo đức trở thành niềm tin, lẽ sống của mỗi người và do đó, nó trở nên thông lệ và thường thức. Đây là cơ sở để Việt Nam hình thành và phát triển đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng là một kiểu đạo đức mới được xây dựng trong tiến trình thực hiện cuộc cách mạng xã hội xã hội chủ nghĩa. Vì mới nên việc tìm hiểu thêm về tính cách mạng và xu hướng của đạo đức cách mạng là rất cần thiết.

Trước hết, chúng ta cần có nhận thức chung về đạo đức và cách mạng để có thể hiểu sâu về đạo đức cách mạng. Cách nói nôm na, đạo đức là những quan niệm tốt - xấu, đúng - sai. Còn cách mạng là sự thay đổi sâu sắc, toàn diện và triệt để. Theo đó, đạo đức cách mạng là một bước phát triển mới, sâu sắc, toàn diện và triệt để so với đạo đức xã hội trước nó. Tổ chức cách mạng (Đảng Cộng sản) nhận thức được về các đặc trưng và các xu hướng của nó dựa trên quy luật phát triển kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa để đề ra chuẩn mực đạo đức cách mạng. Chuẩn mực là một hệ thống các nguyên tắc định hướng hành vi đối với những người theo tổ chức cách mạng và tất nhiên cho toàn xã hội. Ở đây, chúng ta cần nhận thức rõ hơn về tính cách mạng và xu hướng của đạo đức cách mạng.

Về tính cách mạng của đạo đức cách mạng

Tính cách mạng của đạo đức cách mạng ở chỗ sự thay đổi (đổi mới) sâu sắc, toàn diện và triệt để của nó. Sự thay đổi mang dấu ấn bước ngoặt. Nếu như trong xã hội trước nó, quan niệm hành xử của con người “ai chết mặc ai”, thì đạo đức cách mạng sẽ là “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu). Mình vì mọi người bao gồm trong quan hệ gia đình, cộng đồng, “người trong một nước” và những người cùng cảnh ngộ trên phạm vi toàn thế giới.

Tính cách mạng của đạo đức cách mạng ở chỗ có trách nhiệm cao đối với cộng đồng quốc tế. Đó là việc “Chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng; năng lực công tác, làm việc môi trường quốc tế. Tích cực tham gia quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng theo đường lối của Đảng phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng cộng đồng vì hòa bình, ổn định, tiến bộ và phát triển” (Khoản 4, Điều 2, Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 9/5/2024 “chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”).

Tính cách mạng của đạo đức cách mạng ở chỗ dấn thân, tham gia vào việc cải tạo xã hội cũ. Nếu như đạo đức của Phật giáo khuyên con người “làm lành, lánh dữ” hay đạo lý xã hội nhắc “Giữ mình cho vẹn việc ai chớ sờn” (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu), thì đạo đức cách mạng là: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân” (Khoản 3, Điều 2, Quy định số 144-QĐ/TW) và “Kiên quyết đấu tranh, phê phán mọi hành vi né tránh, đùn đẩy, hoặc có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm” (Khoản 4, Điều 4, Quy định số 144-QĐ/TW).

Tính cách mạng của đạo đức cách mạng còn ở chỗ thay đổi cuộc sống riêng và xã hội bằng chính sức mình và của cộng đồng, không phải nương nhờ vào một đấng cứu  thế. “Từ bàn tay ta”, “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, bằng sự “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, chúng ta “xây dựng nông thôn mới”, phát triển đô thị thông minh, làm cho “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đạo đức cách mạng chính là “Nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói, đã nói là làm” (Điểm 3, Điều 5, Quy định số 144-QĐ/TW).

Về xu hướng của đạo đức cách mạng

Ở góc hiểu khác từ câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống”, chúng ta cần thấy tính thực tiễn của nó. Đạo đức thuộc ý thức xã hội do tồn tại xã hội quyết định. Ngoài việc tu dưỡng của cá nhân, đạo đức cách mạng bị quy định bởi cơ sở kinh tế, chế độ chính trị, môi trường tự nhiên và xã hội. Mỗi bước phát triển hay đảo lộn từng nội dung của các yếu tố ấy sẽ củng cố, hoàn thiện hoặc gây “suy thoái” đạo đức cách mạng. Như một thực thể sống, đạo đức cách mạng cũng có các bước phát triển thăng - trầm theo chu kỳ hưng thịnh và khủng hoảng của nền kinh tế - xã hội và môi trường sống. Chỉ khi và cho đến khi, lực lượng sản xuất phát triển cao, sở hữu tư liệu sản xuất ngày càng công hữu và xã hội dân chủ thì đạo đức cách mạng mới “đơm hoa, kết trái” - ở đó, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản). 

Do ngộ nhận và “hiểu chưa đến nơi đến chốn”, một số người tuyên truyền về đạo đức cách mạng lại “gắn” hoặc “lồng” vào đạo đức “thầy tu” và đạo đức xã hội cũ lạc hậu. Đạo đức cách mạng là đạo đức tiến bộ nhất trong lịch sử loài người. Nó được hình thành, định hình, phát triển và hoàn thiện theo sự phát triển kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa. Nhận thức đúng tính cách mạng và xu hướng đạo đức cách mạng sẽ giúp ta vừa thúc đẩy đồng bộ việc xây dựng kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa, chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, vừa bồi dưỡng con người mới - con người vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Dân Biện

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn