Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Cập nhật ngày: 13/10/2024 05:59:42

http://baodongthap.com.vn/database/video/20241013060025dt2-1.mp3

 

ĐTO - Sự nghiệp đổi mới đất nước nói chung, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nói riêng đã đưa đến phát triển kinh tế - xã hội một cách thần kỳ và Đảng ngày càng vững mạnh. Nhưng, cũng như bao cuộc cải cách và đổi mới ở các lĩnh vực khác, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thể hiện “nỗi nhọc nhằn”. Một lần nữa, công việc đổi mới chứng minh thêm câu chuyện chiến thắng chính mình. Bài viết này góp phần nhận thức những “điểm vướng” để có dũng khí vượt qua nó.

Phương thức là cách thức và phương pháp tiến hành. Phương thức lãnh đạo của Đảng (tổ chức chính trị) là cách thức và phương pháp mà Đảng thực hiện để lãnh đạo xã hội. Khi chưa có chính quyền, Đảng lãnh đạo quần chúng (tuyên truyền, vận động, tập hợp và tổ chức) giành lấy chính quyền và khi đã có chính quyền, Đảng “cầm quyền” - thông qua Nhà nước, lãnh đạo toàn bộ xã hội. Nói một cách nôm na, Đảng “ẩn mình” trong bộ máy nhà nước để lãnh đạo toàn diện đất nước.

Những nhà sáng lập học thuyết Marx - Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nêu khái niệm về “đảng cầm quyền” và một vài nội dung về sự cầm quyền. Từ thực tiễn về đảng cầm quyền trên thế giới và Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định phương thức lãnh đạo của Đảng đối với xã hội tại “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”. Lần đầu tiên, Cương lĩnh đã định hình về nội dung sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội thông qua Nhà nước. Từ đó về sau, các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, IX, X, XI và XII liên tục bổ sung và phát triển quan điểm về phương thức lãnh đạo của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới”. Trong đó, Văn kiện làm rõ: “Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng Cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương, chính sách lớn, bằng công tác tổ chức, cán bộ, bằng kiểm tra, giám sát; lãnh đạo thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật; lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, Hiến pháp và pháp luật; chú trọng lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Các tổ chức của Đảng và đảng viên, nhất là tổ chức, đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước vừa phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, vừa phải nêu cao vai trò tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối, các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” (Văn kiện, trang 196 - 197).

Mặc dù đã định hình được những vấn đề căn bản cho việc Đảng lãnh đạo, nhưng nhiều Đại hội Đảng sau đó đều có nhận định lắp đi lắp lại về  tồn tại, hạn chế, bất cập đối với những nội dung cùng loại. Gần đây, trong bài viết về “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ ra những thiếu sót ấy một cách đầy đủ hơn: “Vẫn còn tình trạng ban hành nhiều văn bản, một số văn bản còn chung chung, dàn trải, trùng lắp, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế. Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thay thế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao. Mô hình tổng thể của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có nội dung chưa rõ; phân cấp, phân quyền chưa mạnh. Mô hình tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vẫn còn những bất cập, làm cho ranh giới giữa lãnh đạo và quản lý khó phân định, dễ dẫn đến bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng. Cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc trong Đảng còn chậm; hội họp vẫn nhiều”. Rất rõ ràng là, quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bị “nhọc nhằn” và kéo dài. Vài phương diện dưới đây cần được xem xét:

Về nhận thức

Không ít cán bộ và đảng viên chưa nhận thức đúng và đầy đủ về Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền, nhất là khi xây dựng chính quyền trong từng thời kỳ nhất định. Trong giai đoạn hiện nay, chính quyền được xây dựng hướng theo mô hình nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội xã hội chủ nghĩa. Sự nhìn nhận có phần phiến diện ấy dẫn đến trạng thái trái ngược nhau về tình trạng hoặc là can dự cụ thể vào công việc của chính quyền hoặc là buông lỏng sự lãnh đạo của tổ chức đảng.

Quy luật của tổ chức

Tổ chức là một thực thể với những con người cụ thể. Bộ máy tổ chức hoạt động theo những quy luật nội tại của nó và sự tác động của môi trường. Một trong những quy luật căn bản của tổ chức là tính “bành trướng”. Tổ chức luôn có xu hướng mở rộng quyền lực, cấu trúc, thành viên và các quan hệ. Đây cũng là lý do cần có văn bản pháp luật đủ để “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”.

Lợi ích của các chủ thể quyền lực

Cùng các cấp tổ chức của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội là các tổ chức “vệ tinh” và là “cánh tay nối dài” của Đảng, đều có nhu cầu quyền lực nhất định. Xét về bản chất, Đảng đã từng tuyên bố: Ngoài lợi ích Quốc gia và dân tộc, Đảng không có lợi ích nào khác. Đảng không phải là tổ chức để làm quan, phát tài.

Sự quán tính của tổ chức

Guồng máy tổ chức luôn luôn bị vận hành theo “quán tính” nhất định. Nói một cách khác, thành viên của tổ chức có những nhận thức và hành vi thực hiện công việc thành thói quen, trở thành nếp. Thực tế cho thấy, số người “bảo thủ” trong một tổ chức luôn có một tỷ lệ nhất định.

Những chấm phá về các yếu tố nói trên cho thấy “nỗi nhọc nhằn” trong đổi mới về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Bên cạnh nguyên nhân khách quan, những yếu tố bên trong là quan trọng và ở đây, đòi hỏi sự dũng cảm của bản thân tổ chức. Điều này càng đặt ra việc nhận thức sâu sắc hơn về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong điều kiện mới; cụ thể hóa đầy đủ hơn cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”; xử lý tốt mối quan hệ quyền lực và lợi ích; giải quyết chi tiết hơn về cấu trúc bên trong của mỗi bộ máy tổ chức.

Đổi mới đất nước nói chung, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nói riêng đã và đang  trở thành nhu cầu cấp thiết. Mặc dù có những tiến bộ nhất định qua quá trình thực hiện, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước vẫn còn nhiều thiếu sót. Nhận thức đúng đắn và nhất quán, đặt lợi ích của Nhân dân và Tổ quốc trở thành tối thượng, đồng lòng và hành động quyết liệt, sự nghiệp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nhất định có tiến bộ lớn.

DÂN BIỆN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn