Công bố Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022
Cập nhật ngày: 19/04/2023 12:59:55
ĐTO - Ngày 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp, có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Tấn Bửu cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và địa phương.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, với nguyên tắc “Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy”, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Cụ thể, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số; chuyển đổi số trong thực hiện TTHC; phân cấp trong giải quyết TTHC, đơn giản hóa TTHC nội bộ. Đến nay, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.099 quy định của 10 bộ, cơ quan; thông qua việc số hóa trong tiếp nhận, giải quyết TTHC đã giúp làm giàu, làm sạch, làm sống dữ liệu của các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hình thành các kho dữ liệu lớn phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công…
Tại hội nghị, Bộ Nội vụ đã công bố Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2022 (PAR Index 2022) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022). Theo đó, Chỉ số CCHC của cấp bộ gồm 7 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần; cấp tỉnh gồm 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần; tổng điểm đánh giá là 100 điểm.
Về Chỉ số CCHC 2022, tỉnh cao nhất đạt 90,10%, thấp nhất 75,99%; Quảng Ninh đứng hạng nhất, đứng thứ hai là TP Hải Phòng, thứ ba là TP Hà Nội. Đối với cấp bộ, đứng đầu là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt 91,77%, hạng nhì Bộ Tư pháp, hạng ba Bộ Tài chính.
Bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính các tỉnh, thành phố năm 2022
Về Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính 2022, tỉnh cao nhất đạt 87,59%, thấp nhất là 72,54%; đứng đầu là Quảng Ninh, Thái Nguyên hạng nhì, Cà Mau hạng ba.
Chỉ số CCHC của Đồng Tháp xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố (tăng 5 hạng so với năm 2021), với tổng điểm đạt được là 86,38 điểm, tiếp tục xếp thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Về Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính (chiếm 10% của Chỉ số CCHC), Đồng Tháp xếp thứ hạng 21, với tổng điểm đạt được là 80,53%; trong đó, Chỉ số hài lòng về cung ứng dịch vụ công trên địa bàn tỉnh xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần tập trung đầu tư cho CCHC bởi đây là đầu tư cho phát triển và phải xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi cấp, mỗi ngành; luôn bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, chính sách, pháp luật của Nhà nước để chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC.
Cùng với đó, cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số theo phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu, bảo đảm “trên, dưới, dọc, ngang thông suốt” vì lợi ích chung; thống nhất quan điểm gắn cải cách TTHC với chuyển đổi số; tăng cường đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác kết quả, hiệu quả công tác triển khai để có các giải pháp thúc đẩy kịp thời…
THANH TRÚC