Đồng Tháp
Xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, phục vụ Nhân dân, điều hành năng động, quản lý hiệu quả
Cập nhật ngày: 14/02/2021 06:06:56
ĐTO - Năm 2021 là năm khởi đầu cho giai đoạn cải cách hành chính mới 2021-2030, trên nền tảng những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2011-2020, Đồng Tháp tiếp tục xây dựng chính quyền phục vụ Nhân dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công theo hướng hiện đại, nhanh chóng, thuận tiện.
Trung tâm Kiểm soát thủ tục hành chính và Phục vụ hành chính công tỉnh Đồng Tháp đem lại sự hài lòng cho người dân
Nhiều mô hình sáng tạo
Thời gian qua, Đồng Tháp đã có nhiều mô hình mới, sáng tạo trong thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC). Từ đó đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) được Nhân dân hài lòng, đánh giá cao.
Trong đó, điểm nổi bật trong năm 2020 là UBND tỉnh đã vận hành Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022 tỉnh Đồng Tháp hoạt động theo hướng tích hợp đa dịch vụ. Bằng nhiều kênh liên hệ như: điện thoại, zalo, facebook, mail, website, Tổng đài 1022 tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận, xử lý và trả lời các yêu cầu, thắc mắc hoặc phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Qua 1 năm hoạt động, Tổng đài 1022 tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận và xử lý trên 5.000 phản ánh, kiến nghị, mang lại sự hài lòng cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Tháng 10/2020, Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công tỉnh Đồng Tháp đã chuyển về trụ sở làm việc mới khang trang, hiện đại tại Tòa nhà Bưu điện tỉnh Đồng Tháp, số 85 đường Nguyễn Huệ, Phường 1, TP.Cao Lãnh (phía mặt đường Lý Thường Kiệt). Trung tâm thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hơn 1.280 TTHC thuộc 20 sở, ban, ngành. Đồng thời, Trung tâm đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4, dịch vụ bưu chính công ích trong việc thực hiện TTHC. Đặc biệt là triển khai, thực hiện mô hình Công dân không viết gắn với DVCTT và mô hình kết hợp thực hiện DVCTT với dịch vụ bưu chính công ích.
Với mô hình DVCTT gắn với bưu chính công ích, khi người dân thực hiện DVCTT có thể đăng ký dịch vụ bưu chính công ích ngay tại thời điểm đó hoặc có thể đăng ký lại (trong quá trình chờ giải quyết TTHC trực tuyến) thông qua Tổng đài 1022 của tỉnh, Bộ phận Một cửa và Bưu điện các cấp trên địa bàn tỉnh; không phân biệt địa giới hành chính hoặc cấp thẩm quyền giải quyết mà hồ sơ DVCTT mức độ 3 được tiếp nhận. Nhân viên Bưu điện sẽ đến tận nhà để tiếp nhận các hồ sơ, tài liệu đã nộp trực tuyến để chuyển về cơ quan có thẩm quyền và trả kết quả giải quyết tận nhà người dân khi hồ sơ đã giải quyết xong.
Cùng với việc thực hiện 2 mô hình trên và các mô hình đã triển khai trong các năm qua như: mô hình Hẹn giờ thực hiện TTHC tại nhà người dân trên địa bàn tỉnh, mô hình “4 tại chỗ trong 1 ngày làm việc” tại Trung tâm... UBND tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng việc thực hiện TTHC của người dân, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng, tiện lợi và không còn gặp khó khăn, trở ngại.
UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc thí điểm chuyển giao cho Bưu điện tỉnh Đồng Tháp thực hiện các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 3 (mở rộng). Đến nay, trên địa bàn tỉnh, Đề án thí điểm đã được triển khai thực hiện 11 lĩnh vực cấp tỉnh, 11/12 huyện, thành phố và 41 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Việc ứng dụng phần mềm một cửa điện tử tiếp tục thực hiện tại các địa phương đem lại lợi ích cho người dân
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả quản lý nhà nước
Thực hiện cải cách TTHC, thời gian qua, UBND tỉnh đã đơn giản hóa TTHC, bãi bỏ một số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở và UBND cấp huyện... Đến nay, tổng số TTHC hiện hành trên địa bàn tỉnh là 1.746 TTHC, trong đó 1.341 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành tỉnh; 253 TTHC cấp huyện; 152 TTHC cấp xã. Công tác rà soát, kiến nghị đơn giản hóa TTHC được tỉnh tập trung thực hiện, qua đó kiến nghị đơn giản hóa 375/1.746 TTHC, đạt gần 21,5% tổng số TTHC của tỉnh. Tổng chi phí tiết kiệm sau rà soát theo dự kiến gần 60 tỷ đồng/năm.
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được kiện toàn; việc ứng dụng phần mềm một cửa điện tử mới tiếp tục thực hiện tại các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh; kết nối hệ thống thông tin điện tử 3 cấp chính quyền về kết quả giải quyết TTHC. UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông nâng cấp Cổng dịch vụ công của tỉnh bảo đảm kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin với Cổng dịch vụ công quốc gia; chỉ đạo các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện đẩy mạnh thực hiện DVCTT, trong đó tập trung tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa các TTHC mức độ 3, mức độ 4 để tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp...
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, những kết quả đạt được trong công tác CCHC trên địa bàn tỉnh thời gian qua là rất đáng phấn khởi, qua đó đã giúp củng cố niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào hệ thống chính quyền các cấp tại địa phương. Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC, trong đó tập trung triển khai các giải pháp mạnh mẽ nhằm tạo dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi hơn, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo theo đúng phương châm: “Xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, phục vụ Nhân dân, điều hành năng động, quản lý hiệu quả”.
Tỉnh sẽ quan tâm triển khai xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số, qua đó cho phép nâng cao hơn nữa tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và khả năng tương tác của chính quyền với người dân, doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh công tác sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; rà soát, rút ngắn thời hạn giải quyết TTHC, đẩy mạnh triển khai các TTHC liên thông và tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến...
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa các mô hình, cách làm hay đã được cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận và đánh giá cao như: mô hình Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp, Tổng đài 1022, Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ công, mô hình Hẹn giờ thực hiện TTHC tại nhà người dân, mô hình “4 tại chỗ trong 1 ngày làm việc”... Đồng thời sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai thêm nhiều mô hình, cách làm mới để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
UBND tỉnh kỳ vọng công tác CCHC trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới tiếp tục khởi sắc và gặt hái được những thành tựu quan trọng, nhất là tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, giúp nâng cao chất lượng thực hiện các Chỉ số: PCI, PAR, PAPI, ICT... của tỉnh.
Một mùa Xuân mới đã đến rất gần, năm 2021, năm khởi đầu cho giai đoạn CCHC mới đang đến với niềm tin Đồng Tháp tiếp tục vững bước trên chặng đường mới cùng những phấn đấu để công tác CCHC của tỉnh tiếp tục gặt hái những quả ngọt, góp phần đưa vùng Đất Sen hồng lên những tầm cao mới.
Thanh Trúc