Bộ Nội vụ đề xuất bỏ ngạch công chức để quản lý cán bộ theo vị trí việc làm
Cập nhật ngày: 08/04/2025 16:42:37
Tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đề xuất quản lý công chức theo vị trí việc làm, bỏ quy định về ngạch, bậc hiện nay.
Ngày 8/4, theo thông tin từ Bộ Tư pháp, cơ quan này tổ chức họp hội đồng thẩm định dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) do Bộ Nội vụ soạn thảo.

Toàn cảnh buổi họp hội đồng thẩm định (Ảnh: Bộ Tư pháp)
Bỏ ngạch công chức nhưng giữ ngạch lương
Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Luật là sửa đổi khái niệm vị trí việc làm (là chức vụ, chức danh, công việc của một cán bộ, công chức gắn với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị).
Trong đó, bỏ nội dung "gắn với cơ cấu và ngạch công chức", và "để xác định biên chế" để khắc phục sự trùng lặp giữa quản lý theo vị trí việc làm và quản lý theo ngạch công chức; không làm cơ sở để các đơn vị tăng thêm biên chế.
Đồng thời, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung quy định phân loại, nội dung vị trí việc làm, căn cứ xác định vị trí việc làm, hệ thống vị trí việc làm, bố trí công chức khi thay đổi vị trí việc làm và các nội dung tuyển dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng công chức và các nội dung liên quan đến quản lý công chức theo vị trí việc làm.
Theo dự thảo Luật, hệ thống vị trí việc làm của công chức được xếp theo thứ bậc căn cứ vào tiêu chuẩn chức vụ, chức danh, bản mô tả công việc và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, phù hợp với tổ chức của các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp xã.
"Trên cơ sở đó, bỏ quy định về ngạch công chức tại Luật Cán bộ, công chức hiện hành gồm: Ngạch công chức và bổ nhiệm vào ngạch công chức; chuyển ngạch công chức; nâng ngạch công chức; tổ chức thi nâng ngạch công chức; các nội dung liên quan đến ngạch công chức trong Luật Cán bộ, công chức hiện hành", tờ trình của Bộ Nội vụ nêu.
Theo tờ trình, Bộ Nội vụ nhận định, việc đổi mới quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đổi mới tư duy quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, thay cho ngạch, bậc.
Hiện nay, theo quy định hiện hành, 100% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm. Tuy nhiên, đề án này còn gắn với cơ cấu ngạch công chức và bảng lương hiện hành.
Vì vậy, Bộ Nội vụ đề xuất trong thời gian chưa thiết kế bảng lương mới theo vị trí việc làm, việc thực hiện từng bước chuyển đổi sang cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm vẫn áp dụng các ngạch lương hiện hành để không tạo ra sự xáo trộn lớn.
Căn cứ vào dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, các bộ, ngành, địa phương sẽ hoàn thiện lại đề án vị trí việc làm cho phù hợp để chuyển dần sang cơ chế quản lý mới theo lộ trình.
Cần có chức danh thay thế tương xứng
Góp ý vào dự thảo Luật, TS Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, kiến nghị, Chính phủ cần thống nhất quản lý vị trí việc làm trong toàn hệ thống, trong khi việc quản lý biên chế có thể phân cấp cho các cơ quan, tổ chức phù hợp với thực tiễn.
Ông Trần Anh Tuấn nhìn nhận, cần phân biệt rõ giữa quản lý cán bộ và quản lý công chức. Việc xây dựng vị trí việc làm chỉ phù hợp với đối tượng là công chức - những người làm việc theo ngạch, theo vị trí chuyên môn.
Với cán bộ, nhất là những vị trí do bầu cử quyết định (như đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy viên Trung ương Đảng…), việc bố trí công tác dựa trên tín nhiệm, năng lực và sự phân công tổ chức.
"Do đó, không nên áp dụng khái niệm vị trí việc làm cho cán bộ, mà cần tuân theo Luật Bầu cử, Điều lệ Đảng và các quy định liên quan", nguyên Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nêu quan điểm.
Về đề xuất bỏ ngạch công chức, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, cần được xem xét một cách thận trọng.
"Nếu bỏ ngạch thì cần phải có chức danh thay thế tương xứng, bởi lẽ ngạch không chỉ phản ánh thứ bậc trong hệ thống hành chính mà còn là căn cứ thể hiện trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức…", vị nguyên Thứ trưởng nêu rõ.
Dự thảo Luật bỏ chương quy định về các điều kiện bảo đảm thi hành công vụ. Việc này, TS Trần Anh Tuấn lưu ý cân nhắc kỹ lưỡng, bởi những điều kiện như lương, trụ sở làm việc, cơ sở vật chất… là yếu tố thiết yếu, tạo nền tảng cho việc thực hiện công vụ hiệu quả.
Theo TS Trần Anh Tuấn, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) cần có quy định cụ thể để bảo đảm điều kiện thực thi công vụ.
Kết luận buổi thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị Bộ Nội vụ hoàn thiện khung pháp lý về vị trí việc làm, bao gồm mô tả công việc, tiêu chuẩn năng lực, và cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá dựa trên vị trí việc làm. Đây là yêu cầu cấp thiết để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có năng lực và trách nhiệm.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp lưu ý, các văn bản pháp luật hiện hành cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác cán bộ, công chức. Cần có sự linh hoạt trong quy định để kịp thời đáp ứng yêu cầu của Đảng và thực tiễn.
Theo Anh Văn (VTC News)