Cần có những giải pháp đồng bộ để phát triển nền đông y và Hội Đông y tỉnh nhà
Cập nhật ngày: 22/08/2014 05:15:44
Nhìn lại 5 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới, tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Song vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu khám, chữa bệnh trong nhân dân.
Theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, cho thấy chính quyền các cấp có lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân vào nội dung chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm, trong đó có chỉ tiêu khám, chữa bệnh bằng đông y (y học cổ truyền). Mạng lưới khám chữa bệnh bằng đông y được triển khai thực hiện ở tất cả các bệnh viện và trạm y tế; tạo điều kiện thuận lợi để Hội Đông y các cấp hoạt động, khuyến khích nhân dân trồng cây dược liệu, phát triển vùng trồng dược liệu tại huyện Lấp Vò, huyện Cao Lãnh.
Tuy nhiên, số trạm y tế đạt tiên tiến về đông y còn thấp (63/144 xã, đạt 43,75%), cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc khám chữa bệnh bằng đông y còn thiếu và lạc hậu so với y học hiện đại tại các bệnh viện đa khoa tuyến huyện và trạm y tế xã. Việc thanh quyết toán thuốc đông y còn nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, nhất là định mức phí khám chữa bệnh tại trạm y tế quá thấp, nên trạm không triển khai thực hiện chữa bệnh bằng thuốc đông y cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Nhiều cây thuốc quý, bài thuốc hay trong nhân dân chưa có điều kiện để thu thập, sưu tầm, đang có nguy cơ thất truyền. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế, song nguyên nhân chủ yếu vẫn là trách nhiệm cụ thể của từng cấp về chỉ đạo và tổ chức thực hiện chưa đồng bộ và thường xuyên.
Nhằm phát triển nền đông y và Hội Đông y tỉnh nhà trong thời gian tới, cấp tỉnh, huyện nên có những giải pháp cụ thể, đồng bộ. Hội đồng nhân dân tỉnh nên ban hành chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế và tăng đầu tư ngân sách tỉnh cho việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng đông y tại các bệnh viện, nhất là bệnh viện đa khoa tuyến huyện và các trạm y tế xã. UBND tỉnh, nên rà soát, bổ sung kế hoạch thực hiện Quyết định số 2166/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển y, dược học cổ truyền Việt Nam đến năm 2020 và phân công trách nhiệm rõ ràng cho các sở, ngành tỉnh liên quan thực hiện. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh cần có kế hoạch vận động và tổ chức phát động phong trào toàn dân tham gia tìm hiểu và trồng tại nhà một số cây thuốc thông thường. Tăng cường công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí trong tỉnh về vai trò, vị trí của nền y học cổ truyền Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Đồng thời, xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị quảng cáo không đúng trên các phương tiện thông tin đại chúng về thuốc y học cổ truyền, nhằm mục đích lợi nhuận lừa gạt người tiêu dùng và làm phương hại đến uy tín của nền y học cổ truyền Việt Nam. UBND các huyện, thị xã, thành phố vận dụng các chủ trương, giải pháp trên làm cơ sở đưa vào kế hoạch hành động hàng năm của của địa phương, nhằm khắc phục có hiệu quả những hạn chế trong thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW.
Với những đề xuất trên, nếu được các ngành chức năng nghiên cứu và vận dụng, hy vọng tương lai không xa, nền đông y và Hội Đông y tỉnh nhà phát triển tương xứng với tiềm năng và yêu cầu khám, chữa bệnh trong nhân dân.
Mai Thanh Mỹ