Hội nghị “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020”

Cập nhật ngày: 16/12/2022 15:53:42

ĐTO - Ngày 16/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020".


Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Đồng Tháp

Chủ trì hội nghị từ điểm cầu Hà Nội, có PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; TS. Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Báo cáo tại hội nghị, TS Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết 15/NQ-TW trong 10 năm qua đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo quyền an sinh của người dân theo Hiến pháp 2013. Các chính sách xã hội được thực hiện toàn diện từ trung ương đến địa phương; phát triển với mục tiêu vì con người đã mang lại những thay đổi vượt bậc của Việt nam, chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam ngày càng tiến bộ.

Thời gian qua, các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và được thực hiện tốt trong điều kiện kinh tế - xã hội cho phép; phong trào đền ơn đáp nghĩa được triển khai sâu rộng, xuyên suốt từ Trung ương đến các làng bản, thôn xóm. Đến năm 2020, đã giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng, cả nước xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, có trên 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng; 98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Về vấn đề giải quyết việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo, thời gian qua các thể chế thị trường lao động từng bước được hoàn thiện, trở thành giải pháp cơ bản để giải quyết việc làm. Trong nhiều năm qua, hàng năm đã tạo được khoảng 1,5-1,6 triệu lượt việc làm cho người lao động. Tỷ lệ thất nghiệp chung duy trì ổn định ở mức dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%, giúp Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trên thế giới. Thu nhập của người dân được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động năm 2020 là 4,25 triệu đồng/tháng, tăng gần 3 lần trong 10 năm qua.

Chính sách bảo hiểm xã hội trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội ngày càng mở rộng, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tăng đều hàng năm, đến năm 2020, số người tham gia đạt 16,2 triệu người, chiếm 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện vai trò “bà đỡ” hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động khi chấm dứt hợp đồng, mất việc làm, trong giải quyết chế độ chính sách đối với người lao động. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ 8,27 triệu người năm 2012 lên gần 13,4 triệu người năm 2021 (chiếm 30% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp). Chính sách BHYT ngày càng được hoàn thiện thông qua việc hỗ trợ và tăng đầu tư ngân sách nhà nước cùng với cải tiến phương thức thực hiện đã tạo đột phá thành công về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Đến năm 2021, có 88,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 91% dân số.

Công tác trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từng bước chuyển từ quan điểm nhân đạo sang hướng tiếp cận dựa trên quyền, lấy con người là trung tâm. Diện đối tượng thụ hưởng được mở rộng; mức chuẩn trợ cấp xã hội được điều chỉnh tăng lên, góp phần ổn định cuộc sống cho các đối tượng yếu thế.

Ngoài ra, nhằm đảm bảo mọi người dân trong xã hội có một cuộc sống tốt đẹp, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chủ trương của Đảng là “không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển”, mọi người dân đều được thụ hưởng giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông. Nhiều năm qua, Nhà nước luôn ưu tiên đầu tư xây dựng và phát triển “điện, đường, trường, trạm”, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số…

Theo đánh giá, thực hiện chính sách xã hội trong thời gian qua đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về chính sách xã hội có chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, một số chính sách xã hội vẫn còn hạn chế, chậm được cải thiện. Chính sách xã hội chưa bao phủ hết đối tượng, chưa có sự tương trợ, kết nối của các trụ cột chính sách trong tổ chức thực hiện; chênh lệnh mức sống giữa vùng miền, đối tượng còn cao. Chất lượng lao động và việc làm thấp, thị trường lao động chậm phát triển, qui mô lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp và phi chính thức còn cao, mức tiền lương bình quân của người lao động còn thấp. Giảm nghèo chưa bền vững, bất bình đẳng về thu nhập có xu hướng tăng ở những vùng kém phát triển và giữa các nhóm dân tộc.

Phát biểu tại hội nghị, PGS, TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của tất cả các địa phương trong 10 năm qua. Trong giai đoạn sắp tới, nhằm kế thừa và phát huy những thành quả đạt được trong định hướng phát triển chính sách xã hội giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết sẽ tập trung hướng đến việc thực hiện tốt nhất các chính sách xã hội nhằm chăm lo cho người dân, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Song song đó, phải xác định phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh, an dân, an cư cho mọi người dân, thích ứng với các bối cảnh mới…

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn