Má Năm Vạn ở Đất Sen hồng
Cập nhật ngày: 14/07/2022 08:42:02
ĐTO - Đến thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp mà hỏi thăm về bà Năm Vạn thì hầu như ai cũng biết. Bởi lẽ, bà Năm Vạn (1930 - 2022) đã trở thành một biểu tượng phụ nữ của Đất Sen hồng. Ít người nhớ tên thật của bà là Lê Thị Huệ, mà chỉ quen gọi bằng cái tên thân thương “Má Năm Vạn” hoặc “Má Năm”.
.jpg)
Ảnh: Tùng Thiện
Má Năm Vạn rất giản dị và rất bình dân, không bao giờ ra vẻ một cán bộ cách mạng lão thành hay ra vẻ một người mẹ có con cái thành đạt. Tôi có dịp gặp bà vài lần, và có ấn tượng đặc biệt về một phụ nữ đậm chất Nam Bộ. Tôi nhớ, khi Má Năm Vạn đã ngoài 80 tuổi thì bà vẫn đạp xe đi sinh hoạt Câu lạc bộ ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cái hiếu thảo của địa phương.
Lúc ấy, tôi không có quan hệ gì với bất cứ thành viên nào trong gia đình Má Năm Vạn, nhưng nghe nhiều người truyền tụng về bà nên tò mò đến thăm hỏi. Những câu chuyện thời khói lửa chiến tranh gian khổ, được bà kể lại rất nhẹ nhõm. Dấn thân vào con đường cách mạng nhiều hy sinh và mất mát, với bà, chỉ giống như một việc phải làm, thật tự nhiên và thật ung dung. Giọng điệu mộc mạc của bà chỉ chùng xuống khi thổ lộ: “Khổ nhất chỉ là xa lìa 6 đứa con do mình đứt ruột sinh ra. Đứa nào cũng chưa dứt sữa đã phải gửi cho người khác nuôi dùm, để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ”.
Tôi đã nhìn Má Năm Vạn rất lâu, mà không thể nào lý giải, vì sao một người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu như bà lại có được một nghị lực phi thường như vậy để vượt qua bom đạn và chia lìa suốt mấy chục năm. Trong ký ức của Má Năm Vạn, làng Hòa An chôn nhau cắt rốn ngày xưa nghèo dữ lắm. Thân phụ của bà đi làm thợ mộc, còn thân mẫu của bà đi bán bánh bò, nhưng vẫn lo cho con cái học hành đầy đủ. Năm 1946, nữ sinh Lê Thị Huệ 16 tuổi đã quyết định rời khỏi Trường Trung học Gia Long trên Sài Gòn để quay về quê nhà tham gia kháng chiến. Bà làm giao liên, rồi làm dân vận, rồi lấy chồng, rồi sinh con, rồi chịu đựng bao nhiêu cực nhọc xa cách... chỉ mong giành lại độc lập cho đất nước, thanh bình cho non sông.
Có nhiều chi tiết được Má Năm Vạn hồi tưởng lại, khiến ai nghe cũng tê tái. Khi đứa con trai đầu lòng Lê Quang Minh được 8 tháng tuổi, bà đã cột chân con vào giường vì sợ con bò ra khỏi nhà, để yên tâm đi phát truyền đơn. Sau đó, nhận lệnh vào bưng biền, bà đành gửi con cho phía ngoại. Cứ thế, bà giấu nước mắt, lần lượt gửi 6 đứa con cho người thân hoặc cho cơ sở. Má Năm Vạn bảo: “Tui rất biết ơn những người đã nhận nuôi con dùm mình. Họ cũng rau cháo qua ngày thôi, nhưng dạy dỗ các con tôi rất đàng hoàng. Đứa nào cũng khỏe mạnh, đứa nào cũng thành người”.
Nghe chuyện của Má Năm Vạn, tôi có cao hứng đề nghị: “Cuộc đời Má có thể dựng thành một bộ phim rất hay”, nhưng bà gạt ngang: “Phim gì mày ơi. Mày cứ làm quá”. Vài năm sau, tôi nghe bài hát “Hai nửa câu hò, hai nửa lời ru” của nhạc sĩ Nguyễn Duy Trung sáng tác dựa theo nguyên mẫu Má Năm Vạn: “Má bồi hồi nhớ lại, cái thời kháng chiến 9 năm. Mới 16 xuân xanh, theo chị theo anh, Má đi tuyên truyền đấu tranh. Rồi mang theo hai nửa câu hò. Rồi mang theo hai nửa lời ru. Câu hò cho quê hương, và lời ru cho yêu thương. Ầu ơi, hai nửa lời ru, gửi theo chồng một lòng trung kiên. Ầu ơ, hy sinh tình riêng, xa các con, tim Má quặn đau. Bao lần gửi con, từng đêm đau đáu, dòng sữa ngọt ngào đành vắt bỏ má Năm ơi...”.
Bài hát “Hai nửa câu hò, hai nửa lời ru” khá xúc động, nhưng biên độ một bài hát không thể nào chuyển tải hết cuộc đời nhiều cung bậc của Má Năm Vạn. Có những lần nghẹn ngào tình mẫu tử trong cuộc đời Má Năm Vạn mà người dửng dưng nhất cũng phải run lên vì đồng cảm và thán phục.
Đó là lần Má Năm Vạn hội ngộ đứa con trai thứ ba Lê Minh Trung sau 13 năm xa cách. Lê Minh Trung được cha mẹ nuôi đưa lên Bảo Lộc một thời gian rồi đưa về Sài Gòn sinh sống. Nhân một lần công tác, Má Năm Vạn tranh thủ dò tìm tin tức và ghé thăm con. Lê Minh Trung đi học về, bỗng thấy một người phụ nữ lạ ở trong nhà mình. Dù không có hình ảnh nào trong tâm trí để mường tượng chân dung mẹ ruột, nhưng chỉ cần nắm tay Má Năm Vạn thì cậu con trai lập tức òa khóc. Má Năm Vạn không khóc trước mặt con, nhưng nửa khuya nhìn Lê Minh Trung say ngủ, bà đã lau nước mắt để giã biệt con mà quay lại chiến khu.
Đó là lần Má Năm Vạn nghe tin đứa con trai thứ năm Lê Minh Hoan phải vào tù cùng với cha nuôi. Lê Minh Hoan được Má Năm Vạn gửi cho một nhà giáo, khi mới 3 tháng rưỡi. Cha nuôi bị giặc bắt giam, nên Lê Minh Hoan cũng chịu chung cảnh ngộ. Không biết đứa con trai nhỏ dại của mình có chịu nổi đòn roi kẻ thù không, Má Năm Vạn khóc trong dằn vặt và xót xa.
Đó là lần Má Năm Vạn nghe đứa con gái út Lê Thị Lan Chi gọi mình là mẹ. Cũng như anh chị khác, Lê Thị Lan Chi được gửi nuôi lúc sơ sinh. Cho nên, sau năm 1975, khi gặp lại Má Năm Vạn thì Lê Thị Lan Chi chỉ quen gọi là “cô”. Má Năm Vạn ngậm ngùi lắm, nhưng bà không quở trách con. Bà kiên nhẫn chờ đợi. Và khi tiếng “mẹ” bật ra từ miệng đứa con gái út gọi mình, Má Năm Vạn đã khóc hạnh phúc.
Nhiều, rất nhiều tình huống mà Má Năm Vạn từng nếm trải, khiến tôi đinh ninh rằng cuộc đời bà như một truyền thuyết. Tôi không biết những năm cuối cùng, khi đã suy yếu vì thời gian bào mòn thì trí nhớ của Má Năm Vạn ra sao. Thế nhưng, trước tuổi 90 thì Má Năm Vạn nhớ rất rõ ngày giỗ của những người từng dưỡng dục các con mình, và bà luôn chủ động nhắc nhở các con báo hiếu cho cha nuôi, mẹ nuôi.
Dù rất ghét sáo ngữ, tôi vẫn nói rằng: Má Năm Vạn, một bà má Đồng Tháp, là một trong những tấm gương đáng kính trọng của phụ nữ Nam Bộ trong thế kỷ 20. Má Năm Vạn đã hiến dâng cả thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng, và Má Năm Vạn đã sinh ra cho Đất Sen hồng những đứa con ưu tú: Lê Quang Minh (Phó Giáo sư, Tiến sĩ nông nghiệp, nguyên Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM); Lê Minh Trung (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Tháp); Lê Thị Thanh Phương (kỹ sư xây dựng, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp); Lê Minh Hoan (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)...
Tôi xin cảm ơn bà - Má Năm Vạn, người phụ nữ Nam Bộ có nụ cười bao dung, bàn tay trìu mến và trái tim ấm áp. Xin cảm ơn bà vì những giá trị cao đẹp mà bà đã chắt chiu, đã gìn giữ và đã ban tặng cho mọi người.
Một số hình ảnh về Má Năm Vạn:
.jpg)
.jpg)
.jpg)
.jpg)
.jpg)
.jpg)
Ảnh: Tùng Thiện
LÊ THIẾU NHƠN