Nâng cao vai trò của Bí thư cấp ủy

Cập nhật ngày: 12/10/2012 08:03:00

Chủ trương Bí thư cấp ủy gặp gỡ, tiếp xúc đối thoại trực tiếp với nhân dân đã tác động tích cực đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là nâng cao vai trò của Bí thư cấp ủy.


Người dân phản ánh một số vấn đề bức xúc
với Bí thư Đảng ủy cấp xã

Hàng quý, Đảng ủy xã Tân Quới, huyện Thanh Bình đều tổ chức cho đồng chí Bí thư Đảng ủy tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Nội dung các buổi tiếp xúc, đối thoại tập trung vào các chủ đề: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; đạo đức, lối sống, tác phong, nề nếp làm việc của cán bộ và đảng viên; công tác xóa đói giảm nghèo; cải cách thủ tục hành chính; những vấn đề bức xúc tại địa phương...

Số lượng và thành phần tham dự các buổi tiếp xúc khá đông, người dân đã mạnh dạn trình bày những thắc mắc và tích cực trao đổi những vấn đề có liên quan đến người dân tại địa phương. Tại các buổi tiếp xúc, phần lớn ý kiến của người dân được đồng chí Bí thư cấp ủy và các ban, ngành, đoàn thể địa phương trả lời trực tiếp, cụ thể. Một số vấn đề chưa trả lời ngay, đồng chí Bí thư cấp ủy chỉ đạo đơn vị có liên quan sớm trả lời sau buổi tiếp xúc.

Từ năm 2008 đến 2011, Bí thư Đảng ủy cấp xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân gần 900 cuộc với trên 40.000 lượt người tham dự. Bí thư cấp huyện tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân trên 350 cuộc, với gần 20.000 lượt người tham dự, có gần 3.040 lượt ý kiến góp ý, phản ánh. Qua đó, nội dung trả lời trực tiếp hoặc bằng văn bản của đồng chí Bí thư cấp ủy được phần lớn người dân đồng tình, nhất trí cao với chủ trương, quan điểm của Đảng và cách giải quyết của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Từ đó, phần lớn cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Thông qua tiếp xúc, đối thoại với nhân dân giúp đồng chí Bí thư cấp ủy kịp thời nắm bắt và giải quyết có hiệu quả những bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tuyên truyền, định hướng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc xử lý những vấn đề vướng mắc của nhân dân đặt ra, khắc phục tình trạng giải quyết công việc trì trệ, kéo dài gây phiền hà trong dân; kịp thời thông tin đến nhân dân những vấn đề cấp ủy quan tâm và định hướng cần lãnh đạo để nhân dân hiểu, đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia các hoạt động góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Những thông tin phản ánh của nhân dân là cơ sở giúp các cấp ủy, chính quyền kịp thời phát huy những ưu điểm, bổ sung, điều chỉnh và khắc phục những chủ trương, giải pháp chưa phù hợp trong lãnh đạo, điều hành, từ đó có thêm cơ sở thực tiễn để nghiên cứu, ban hành những chương trình, kế hoạch, quyết sách mới trên các lĩnh vực phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân. Thông qua ý kiến phản ánh của nhân dân, giúp các cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên phát huy mặt tích cực, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tạo lòng tin trong nhân dân đối với sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn