Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Phát huy lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân Việt (*)
Cập nhật ngày: 07/08/2014 16:18:45
(Phát biểu của đồng chí Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được tổ chức tại TP.Cao Lãnh ngày 7/8/2014).
“Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện các giải pháp kích cầu, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Đây chính là vừa thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân Việt, vừa khẳng định vai trò, năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp - những người luôn tiên phong, sát cánh với chúng ta qua bao thăng trầm của kinh tế tỉnh nhà.
Theo chỉ đạo của Trung ương, Cuộc vận động đã được triển khai đồng bộ và nghiêm túc. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh uỷ bằng các giải pháp, lộ trình cụ thể, mang lại hiệu quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực. Xác định Cuộc vận động là chủ trương lâu dài, liên tục, Ban Chỉ đạo tỉnh đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện công tác triển khai, quán triệt, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến người tiêu dùng với các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng, đưa “Hàng Việt về nông thôn và khu công nghiệp” bằng các phiên chợ, thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Chúng ta đã công khai tiêu chuẩn, giá cả sản phẩm, nhất là những loại lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa chất lượng cao, quảng bá các doanh nghiệp, thương hiệu trong nước có uy tín. Ngoài ra, còn tổ chức thường xuyên việc phổ biến thông tin về những loại hàng giả, kém chất lượng để mọi người có sự lựa chọn đúng đắn.
Việc thực hiện Cuộc vận động đã tạo điều kiện, động lực cho các doanh nghiệp trong tỉnh cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo dựng thương hiệu sản phẩm. Trong những năm qua, từ những cơ sở sản xuất nhỏ đến các doanh nghiệp lớn đã không ngừng nghiên cứu, “dò đá qua sông”, tìm hiểu nhu cầu thị trường, tận dụng những lợi thế của địa phương, doanh nghiệp để sản xuất nhiều sản phẩm đặc trưng của Đồng Tháp. Đã có rất nhiều sản phẩm, các loại nông sản được chứng nhận thương hiệu, trở thành mặt hàng tiêu dùng phổ biến với chất lượng ngày càng cao, xuất khẩu được sang nhiều thị trường ngoài nước có tiềm năng.
Qua 5 năm triển khai Cuộc vận động cho thấy, đã có những chuyển biến trong nhận thức và hành động của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ quản lý và người tiêu dùng. Một trong những điểm nổi bật đáng lưu ý là các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã thay đổi hành vi “sính ngoại” bằng việc sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công - Đây là việc làm cụ thể, thiết thực, vừa thể hiện lòng yêu nước, vừa là nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng. Chúng ta rất phấn khởi khi Đồng Tháp được Trung ương đánh giá là địa phương tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn nhiều nhất và hiệu quả nhất trong cả nước, đồng thời được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục gia danh hiệu “Một trăm phiên chợ” sau 4 năm thực hiện Cuộc vận động. Tôi đánh giá rất cao tính chủ động, sáng tạo của một số địa phương trong việc hình thành các mô hình, câu lạc bộ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây là cầu nối quan trọng, góp phần giới thiệu sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao của các doanh nghiệp, giúp nhân dân thay đổi góc nhìn và tâm lý tiêu dùng tích cực đối với hàng Việt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Cuộc vận động đã và đang đối mặt với không ít khó khăn, hạn chế. Đó là sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu. Một số địa phương, đơn vị chưa thật sự vào cuộc, dẫn đến kết quả triển khai chưa đạt hiệu quả cao, thiếu tính đột phá. Công tác thông tin, tuyên truyền chưa thực sự tác động mạnh vào tâm lý, hành vi người tiêu dùng, vẫn còn một bộ phận nhân dân sính hàng ngoại, hàng hiệu nhập khẩu. Nhiều địa phương triển khai hoạt động mang tính riêng lẻ, thiếu tính gắn kết. Một bộ phận doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, đặc biệt là kỹ năng xúc tiến thương mại, chăm sóc khách hàng, chưa quan tâm nhiều đến thị trường 90 triệu người trong nước.
Nhìn chung, qua 5 năm thực hiện Cuộc vận động, tuy còn một số khó khăn, hạn chế như đã nêu ở trên nhưng những kết quả bước đầu đạt được đã thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, bình ổn thị trường, góp phần đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế của tỉnh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện rõ nét đời sống nhân dân. Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi biểu dương những kết quả mà Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh và các cấp, các ngành đã đạt được trong thời gian qua!
Năm 2014 là năm thứ năm triển khai thực hiện Cuộc vận động. Để việc thực hiện trong thời gian tới có chiều sâu, có tính bền vững, tôi đề nghị các cấp, các ngành quan tâm thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc mục đích Cuộc vận động là “Phát huy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, sản xuất hàng Việt Nam bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, có sức cạnh tranh cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”. Đây chính là định hướng trọng tâm công tác tuyên truyền trong thời gian tới. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần thực hiện vai trò nòng cốt trong việc vận động các tổ chức thành viên, đoàn viên, hội viên ủng hộ chủ trương ưu tiên sử dụng hàng Việt, hướng đến xây dựng văn hóa tiêu dùng trong cộng đồng. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tự giác đi đầu thực hiện Cuộc vận động.
Thứ hai, ngoài việc vận động nhân dân mua và sử dụng hàng Việt, đồng hành với chất lượng và giá cả hàng hóa Việt, chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, cải tiến thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm; hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, mạng lưới bán lẻ, nhất là ở vùng sâu, biên giới; phát triển hệ thống siêu thị, chợ nông thôn.
Thứ ba, cần chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, tăng cường kiểm soát hàng gian, hàng giả; xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Thứ tư, các doanh nghiệp cần quán triệt và xác định chủ trương thực hiện Cuộc vận động này là cơ hội để cải tiến quy trình sản xuất, mẫu mã, chất lượng hàng hóa, xây dựng thương hiệu, đáp ứng sự tin tưởng của người tiêu dùng. Từng doanh nghiệp cần xác định đúng định hướng phát triển, có chiến lược sản phẩm phù hợp, chú ý nhiều hơn đến thị trường nội địa, sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Với những kết quả đã đạt được và với tinh thần năng động, trách nhiệm cao của các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, tôi tin tưởng rằng Cuộc vận động sẽ đạt được những kết quả thiết thực hơn nữa trong thời gian tới.
* Đầu đề do Tòa soạn đặt