Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thái trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

Cập nhật ngày: 07/07/2014 04:17:00

Tại kỳ họp lần thứ 8 Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khóa VIII, bà Trần Thị Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh. Báo Đồng Tháp xin lược trích nội dung giải trình của bà Trần Thị Thái.

Đối với việc cử tri của TP.Cao Lãnh đề nghị tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các lò giết mổ bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ; tăng cường xử lý và tăng mức xử phạt đối với các mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thái giải trình: Về kiểm tra, xử lý tình trạng bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ, từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng đã tổ chức kiểm tra 535 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh nhưng chưa phát hiện trường hợp vi phạm nào, nhất là hành vi bơm nước vào heo trước khi giết mổ. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý theo quy định.

Về kiểm tra, xử lý, tăng mức xử phạt đối với các mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, trong 6 tháng đầu năm 2014, các lực lượng chức năng đã tổ chức 2 đợt kiểm tra tại 376 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, đã phát hiện và xử lý vi phạm 17 trường hợp, với tổng số tiền 144 triệu đồng. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, số lượng cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp nhiều (1.288 cơ sở), nên lực lượng chức năng không thể bám sát cơ sở để kiểm tra thường xuyên. Vì vậy, đề nghị bà con cử tri tham gia cùng với chính quyền giám sát, kịp thời thông báo cho lực lượng chức năng gần nhất, khi phát hiện các hành vi vi phạm.

Về việc tuyên truyền nông dân không nuôi tôm thẻ chân trắng, bà Trần Thị Thái trả lời: Trước tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát của bà con nông dân, ngày 4/4/2014, Tổng cục Thủy sản đã ban hành Công văn số 600/TCTS-NTTS về quản lý đối tượng thủy sản nhập nội, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 230/UBND-KTN ngày 25/4/2014 về việc cấm khai thác, sử dụng nước ngầm để nuôi tôm thẻ chân trắng và các loài thủy sản khác; đồng thời tiến hành làm việc và buộc các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ký cam kết không thả nuôi đối tượng này sau khi thu hoạch.

Trả lời ý kiến cử tri huyện Tam Nông về nạo vét và nâng cấp bờ bao 3 bên bờ kênh Phú Thành 1, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông, Phó Chủ tịch Trần Thị Thái cho biết, kênh Phú Thành 1 là một đoạn trong tuyến kênh Thống Nhất thuộc Dự án cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh trục thoát lũ và cung cấp nước tưới tiêu cho vùng Đồng Tháp Mười đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn tất hồ sơ gửi Ngân hàng Phát triển Châu Á để thẩm tra phê duyệt. Sau khi được phân bổ vốn, tỉnh sẽ triền khai thực hiện.

Cử tri huyện Cao Lãnh đề nghị đẩy mạnh Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bà Trần Thị Thái trả lời, UBND tỉnh xây dựng các kế hoạch để cụ thể hóa thực hiện đề án như: kế hoạch triển khai thực hiện đề án năm 2014; kế hoạch nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo; kế hoạch phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu nông sản; kế hoạch chi tiết thực hiện tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, cá tra, xoài, vịt và hoa kiểng...

Cử tri huyện Hồng Ngự đề nghị cung cấp thông tin về thời gian thi công quốc lộ 30 (đoạn TP.Cao Lãnh - TX.Hồng Ngự), Phó Chủ tịch Trần Thị Thái cho biết, kinh phí đầu tư quốc lộ 30 rất lớn nhưng do ngân sách Nhà nước còn hạn chế, nên Bộ Giao thông Vận tải có chủ trương xã hội hóa đầu tư. Trước mắt trong giai đoạn 2014-2016 chỉ đầu tư tuyến tránh TX.Hồng Ngự với tổng vốn đầu tư 347 tỷ đồng, hiện đang triển khai thi công phần nền.

Cử tri của TP.Cao Lãnh kiến nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan đến việc xây cầu qua sông Đình Trung phải dỡ bỏ gây lãng phí, Phó Chủ tịch Trần Thị Thái cho biết, UBND tỉnh đã tổ chức họp kiểm điểm, phê bình rút kinh nghiệm đối với Ban Giám đốc Sở Giao thông Vận tải trong tháng 5/2014.

Vấn đề sinh viên ra trường nhưng không có việc làm, Phó Chủ tịch Trần Thị Thái cho biết, UBND tỉnh giải trình tại Báo cáo số 88/BC-UBND ngày 24/5/2013 với nội dung cụ thể như sau: Để giải quyết tình trạng trên, trước mắt UBND tỉnh đã triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ như: sử dụng sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm, bổ sung học thêm một số nội dung chuyên ngành để bố trí việc làm ở xã, phường, thị trấn; nghiên cứu sắp xếp sử dụng số sinh viên sư phạm ra trường có kết quả học khá, giỏi thay thế cho giáo viên đã lớn tuổi, không đủ chuẩn, kém năng lực hoặc tạm tuyển số sinh viên này hợp đồng dạy tiểu học, mầm non; tiếp nhận sinh viên chưa có việc làm cử đi đào tạo bổ sung để bố trí vào các trường nghề; tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; làm đầu mối mời doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng để tư vấn, giới thiệu việc làm cho số sinh viên này; tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, khảo sát và dự báo nhu cầu sử dụng lao động để người dân biết định hướng nghề nghiệp cho con em mình...

PT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn