Chi bộ cơ sở Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng công trình giao thông tỉnh
Sáng kiến trong chuyển đổi số thực hiện phần mềm quản lý tiến độ dự án
Cập nhật ngày: 13/12/2022 05:39:14
ĐTO - Trong năm 2022, cùng với tinh thần chủ động, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Chi ủy Chi bộ cơ sở Ban Quản lý Dự án (QLDA) Đầu tư Xây dựng công trình giao thông tỉnh (viết tắt Ban QLDA), nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng của đơn vị đã thực hiện ước đạt so với kế hoạch đề ra.
Cán bộ kỹ thuật viên của Ban Quản lý dự án vận hành phần mềm và giải quyết các công việc trong quy trình thực hiện các dự án đầu tư
Điển hình: Các dự án (DA) giai đoạn trung hạn 2021-2026 đều đã đấu thầu và triển khai thi công, giá trị giải ngân hiện nay của Ban QLDA cao nhất tỉnh, tỷ lệ giải ngân hiện nay và hàng tháng, quí đều nằm trong tốp đầu của tỉnh; dự kiến giá trị giải ngân trong năm 2022 ước đạt 411,6/411,6 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn điều chỉnh năm 2022; các DA do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, ủy thác Ban QLDA thực hiện QLDA với số vốn 600,2/600,2 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn điều chỉnh đảm bảo đúng theo cam kết với Chủ tịch UBND tỉnh, góp phần sớm hoàn thành việc thực hiện Kết luận số 203-KL/TU ngày 27/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về định hướng xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch số 103-KH/ĐUK ngày 19/10/2022 (điều chỉnh) của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.
Trong công tác lãnh đạo, điều hành, Chi ủy đã phối hợp Ban lãnh đạo quan tâm thực hiện chuyển đổi số, nhiều sáng kiến của cán bộ, đảng viên, công chức được ứng dụng rộng rãi trong thực hiện nhiêm vụ như: trình phê duyệt và duyệt hồ sơ qua file pdf; tổ chức họp trực tuyến đối với các nhà thầu thi công và thiết kế ở xa để hạn chế đi lại tiết kiệm kinh phí; tổ chức đấu thầu qua mạng để rút ngắn thời gian và tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp... Nổi bật, trong các sáng kiến đã được công nhận năm 2022 phải kể đến là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiến độ DA được xây dựng dựa trên nền tảng là phần mềm Microsoft Excel.
Đồng chí Nguyễn Đức Huy - Chi ủy viên, Phó Giám đốc Ban QLDA chia sẻ: “Đây là phần mềm khá phổ biến, gần gũi với nhiều người sử dụng, nhìn vào biểu đồ người xem dễ dàng nhận biết được tổng thời gian hoàn thành toàn bộ DA là bao nhiêu ngày, dòng đời thực hiện 1 DA được tiến hành qua bao nhiêu bước, từng bước được thực hiện như thế nào, bao nhiêu phần việc trong bước thực hiện đó, tiến độ thực hiện của từng bước đang diễn ra như thế nào, đúng tiến độ, trễ tiến độ hay hoàn thành sớm hơn tiến độ quy định, nếu trễ hạn thì nguyên nhân trễ hạn diễn ra ở khâu nào, trễ hạn bao nhiêu ngày và đơn vị nào thực hiện trễ hạn... Việc sử dụng ứng dụng này không đòi hỏi người dùng phải có chuyên môn sâu về xây dựng, vẫn dễ dàng sử dụng, theo dõi một cách đơn giản”.
Ứng dụng này đã được Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao, dễ nhìn, dễ hiểu, giao diện đơn giản, màu sắc theo hướng màu chủ đạo của tỉnh và thống nhất về mặt chủ trương cho thực hiện các thủ tục triển khai lập, hoàn chỉnh phần mềm quản lý tiến độ DA và giao cho Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phát triển theo hướng trên ứng dụng web để có thể sử dụng trên các thiết bị di động, đồng thời về mặt kỹ thuật phải đáp ứng được việc tích hợp trên hệ thống trung tâm giám sát thông minh (IOC) của tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh; hiện tại, phần mềm Quản lý tiến độ DA đã được UBND tỉnh ban hành Quy chế vận hành, khai thác sử dụng phần mềm Quản lý tiến độ DA tỉnh Đồng Tháp tại Quyết định số 561/QĐ-UBND-HC ngày 31/5/2022 để áp dụng thực hiện trên toàn tỉnh. Qua việc sử dụng ứng dụng này trong quản lý tiến độ thực hiện các DA tại đơn vị mang lại hiệu quả rất cao; đồng thời có thể áp dụng thực hiện đối với tất cả các DA đầu tư xây dựng cơ bản như: công trình nông nghiệp, dân dụng, công nghiệp... và không chỉ riêng lĩnh vực xây dựng công trình giao thông.
THANH TUYỀN