Tân Hồng - 35 năm xây dựng và phát triển

Cập nhật ngày: 31/05/2024 05:22:37

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240531052448dt2-6.mp3

 

ĐTO - Huyện Tân Hồng chính thức đi vào hoạt động ngày 1/6/1989 với muôn vàn khó khăn (vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng kháng chiến cũ), nhưng 35 năm đi qua là một khoảng thời gian không dài so với tiến trình lịch sử của vùng đất này. Song, Đảng bộ và Nhân dân huyện Tân Hồng đã biến nơi đây trở thành một huyện biên giới trù phú và sung túc được chứng minh về tốc độtăng trưởng kinh tế, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp, thương mại và dịch vụ… sau 35 năm (1/6/1989 - 1/6/2024) xây dựng và phát triển.


Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (bìa trái) trao Huy hiệu Đảng cho đồng chí Hồ Văn Ba và Bí thư Huyện ủy Tân Hồng Nguyễn Minh Ngọc (bìa phải) tặng hoa chúc mừng

Trên cơ sở tách ra từ huyện Hồng Ngự (cũ) trong điều kiện cơ sở vật chất thấp kém; sản xuất còn thuần nông, độc canh cây lúa năng suất chất lượng và hiệu quả không cao; kết cấu hạ tầng yếu kém, giao thông vẫn còn rất khó khăn. Kinh tế - xã hội chậm phát triển, tiềm năng kinh tế chưa được khai thác, thiếu vốn, thiếu năng lực sản xuất. Khi mới thành lập, nguồn thu chủ yếu của ngân sách huyện là thuế sử dụng đất nông nghiệp, nhưng hàng năm đều bị nước lũ, sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên. Cùng với đó, huyện thực hiện chính sách miễn thu thuế nông nghiệp theo Di chúc Bác Hồ, do đó, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách, nên chủ yếu hưởng từ trợ cấp của ngân sách tỉnh.

Song, qua chặng đường 35 năm thành lập và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân huyện Tân Hồng đã quyết tâm khắc phục và vượt qua khó khăn, từng bước đưa kinh tế - xã hội phát triển, đến nay đã có kết quả rõ rệt, thể hiện qua một số lĩnh vực cụ thể như sau: tình hình an ninh chính trị, xã hội ổn định, tuyến biên giới luôn giữ vững, mối quan hệ giữa chính quyền và Nhân dân các xã giáp biên thể hiện hợp tác hữu nghị; sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước càng được lòng tin và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; tiềm năng, thế mạnh của huyện ngày được khai thác có hiệu quả, nhất là nông nghiệp; kết quả đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội những năm qua và các dự án sắp đầu tư sẽ được phát huy tốt trong những năm tới.


Một góc nội ô thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng

Từ chủ trương đúng đắn đã mang lại hiệu quả lớn, nếu như vào những năm đầu thành lập huyện, diện tích canh tác hàng năm chỉ có 19.978ha, năng suất bình quân 3,2 tấn/ha (trong đó lúa sóc và lúa mùa 5.978ha) thì đến nay sản xuất 2 vụ, 3 vụ được chủ động, diện tích lúa xuống giống trên 57.000ha, năng suất bình quân hàng năm đạt 6,6 tấn/ha; tổng giá trị sản xuất của một số ngành đạt gần 300 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện triển khai thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, toàn huyện có 21 sản phẩm (đạt 3 sao 19 sản phẩm, đạt 4 sao 2 sản phẩm).

Huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, từ ngày thành lập huyện đến nay đã lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Việc sử dụng vốn có chọn lựa, ưu tiên hướng đầu tư phù hợp trong từng thời điểm, từng giai đoạn. Sau 35 năm thành lập huyện đến nay, Tân Hồng có hệ thống kết cấu hạ tầng khá đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển, từ quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ đến lộ liên xã và lộ nông thôn (liên ấp) đều được bê tông hóa hoặc lót đan, ôtô đi đến trung tâm từng xã, ấp. Hệ thống giao thông đường thủy và các kênh nội địa thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa và cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng nhiều cụm, tuyến dân cư theo Chương trình 105 của Chính phủ. Từ năm 2005 đến nay, bố trí Nhân dân vào ở ổn định trong các cụm, tuyến dân cư, chấm dứt tình trạng chạy lũ hàng năm. Đặc biệt là đầu tư của Nhà nước về thi công mặt đường nối từ Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà đến đường Xuyên Á (Campuchia) dài 28,5km, tạo tiềm năng rất lớn cho huyện phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biên giới (ngày 13/12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định công nhận Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà đạt tiêu chuẩn đô thị loại V).

Nhiều quy hoạch quan trọng được xây dựng, phê duyệt như: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch giao thông nông thôn, thủy lợi; quy hoạch các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; quy hoạch và thực hiện xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới. Đến nay, có 8/8 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (trong đó, xã An Phước đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới nâng cao), huyện Tân Hồng phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.


Mô hình trồng nấm linh chi, nấm bào ngư tại xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, góp phần nâng cao đời sống người dân vùng biên

Ngoài tập trung phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện luôn quan tâm đến những vấn đề xã hội như: đầu tư phát triển hệ thống trường, lớp hoàn thiện, nhiều trường đạt chuẩn Quốc gia (có 28/46 trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó 20 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 và 8 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2); 100% Trạm y tế các xã, thị trấn cơ sở vật chất khang trang và đạt chuẩn theo tiêu chí của ngành y tế. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, nếu như những năm đầu thành lập huyện, số hộ nghèo chiếm hơn 80%, đến nay số hộ nghèo còn 543 hộ (chiếm 2,29%), hộ cận nghèo là 595 hộ (chiếm 2,27%). Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng/năm, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biên. Việc quản lý môi trường, vệ sinh môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải tại 100% xã, thị trấn.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được quan tâm, nhất là nâng cao năng lực và sức chiến đấu của từng cấp ủy, tổ chức Đảng từng bước đi vào thực chất; đội ngũ cán bộ huyện, xã đã được chuẩn hóa theo quy định, số lượng và chất lượng đảng viên và tổ chức Đảng không ngừng phát triển theo thời gian, nhiệm kỳ I Đảng bộ chỉ hơn 500 đảng viên thì nay đã trên 3.300 đảng viên; 23 chi bộ, đảng bộ trực thuộc thì nay có 46 chi bộ, đảng bộ trực thuộc; hiệu lực quản lý, hiệu quả hoạt động, chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ công chức được nâng cao và chuẩn hóa (về lý luận chính trị sơ cấp có 495 đồng chí, trung cấp có 565 đồng chí, cao cấp và cử nhân 164 đồng chí; chuyên môn nghiệp vụ cao đẳng 211 đồng chí, đại học trên 1.024 đồng chí, thạc sĩ 38 đồng chí). Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội đã tập hợp quần chúng, hội viên, đoàn viên ngày càng nhiều vào tổ chức Hội, phương thức hoạt động ngày một đổi mới, góp phần cùng cả hệ thống chính trị thực hiện tốt mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh từng giai đoạn phát triển của huyện.


Người dân huyện Tân Hồng áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa

Để đạt được thành tựu nêu trên, sau 35 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và Nhân dân huyện Tân Hồng ra sức phấn đấu không ngừng, có nhiều đề án, kế hoạch dài hạn, trung hạn; chương trình hành động... sát với thực tiễn. Nhiều chương trình được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lựa chọn làm khâu đột phá đã đạt hiệu quả cao, có ý nghĩa thiết thực trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và Nhân dân khai thác tiềm năng của địa phương để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy thành tựu đạt được 35 năm qua, khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung mọi nguồn lực phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, tranh thủ mọi nguồn vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhằm đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà nhiệm vụ chính trị của huyện đặt ra, là tiền đề quan trọng cho xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo.

D.C-V.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn