Thanh Bình: Đổi mới sau 30 năm thành lập và phát triển

Cập nhật ngày: 29/04/2013 05:08:46

Sau khi được chia tách từ huyện Tam Nông (1993), 30 năm hình thành và phát triển, huyện Thanh Bình đã thay da đổi thịt. Từ mảnh đất vùng sâu, nghèo nàn, lạc hậu, huyện Thanh Bình phát triển mạnh trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế - xã hội, xứng danh là huyện Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Huyện Thanh Bình đang tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp
theo hướng hiện đại

Từ thực trạng là huyện vùng sâu nhiều khó khăn, huyện chủ trương từng bước khai thác tiềm năng sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng chuyên canh, đi vào chiều sâu, theo hướng hiện đại. Đẩy mạnh đầu tư thủy lợi hóa, cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đem lại năng suất cao.

Diện tích sản xuất lúa năm 1983 là 20.148 ha đến năm 2012 đạt 46.389 ha, sản lượng lúa tăng 4,5 lần và đạt 296.920 tấn. Đặc biệt, từ năm 2002 huyện đã bắt đầu nuôi cá tra xuất khẩu trên đất bãi bồi với tổng diện tích nuôi đạt 393,3ha, sản lượng đến năm 2012, đạt 109.000 tấn và dẫn đầu trong toàn tỉnh về sản lượng cá tra. Đến năm 2012 tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 57,08% trong cơ cấu GDP của huyện.

Ngoài ra, sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Bình ngày càng phát triển mạnh. Từ nguồn nguyên liệu cá tra do nuôi trồng đem lại, năm 2006 huyện kêu gọi đầu tư xây dựng cụm công nghiệp, đến nay đã hình thành được cụm công nghiệp Bình Thành với diện tích trên 46ha. Hiện nay cụm công nghiệp đã có 6 nhà máy chế biến thủy sản và thức ăn thủy sản đi vào hoạt động.

Dự kiến năm 2013 sẽ có thêm 3 nhà máy đi vào hoạt động, sẽ tạo công ăn việc làm cho trên 10.000 lao động địa phương và các vùng lân cận, tăng thu cho ngân sách địa phương khoảng 25 tỷ đồng/năm. Trước nhu cầu của các nhà đầu tư, huyện đã quy hoạch mở rộng cụm công nghiệp Bình Thành thêm 20ha với phương thức nhà nước lập và phê duyệt quy hoạch, nhà đầu tư thỏa thuận mua đất của dân.


Dự kiến năm 2013 sẽ có nhiều dự án đi vào hoạt động trên địa bàn
góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương

Song song đó, lĩnh vực văn hóa xã hội tại địa phương cũng có chuyển biến tích cực, quy mô trường lớp các bậc học, cấp học của huyện được đầu tư phát triển. Hiện nay toàn huyện có 66 trường học, trong đó có 3 trường THPT với 964 phòng học và 354 phòng chức năng đáp ứng nhu cầu dạy và học; tỷ lệ huy động học sinh ra lớp hàng năm luôn đạt và vượt kế hoạch: tiểu học đạt 99,58%, THCS đạt 95,36%, THPT đạt 73,32% (năm học 2011-2012). Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, kiện toàn, 100% trạm y tế đều có bác sỹ. Công tác đền ơn đáp nghĩa duy trì và phát triển, tạo thành phong trào rộng rãi trong nhân dân. Đến nay toàn huyện đã xây dựng được 685 căn nhà tình nghĩa, 1.173 căn nhà cho hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 12,56% và hộ cận nghèo còn 9,85% so với tổng số hộ dân trên địa bàn.

Những thành tựu đạt được là điều kiện thuận lợi cơ bản thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện Thanh Bình tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, huyện cũng còn gặp không ít khó khăn do sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao, chất lượng nông sản còn thấp,... sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tuy được đầu tư xây dựng nhưng chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ tuy có được nâng lên nhưng vẫn còn một bộ phận chuyên môn chưa đạt yêu cầu, năng lực lãnh đạo chưa theo kịp với tình hình và nhiệm vụ mới. Đây là những vấn đề huyện đang tập trung giải quyết nhằm đưa kinh tế - xã hội huyện nhà ổn định phát triển.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn