Chuyển đổi số báo chí và những bất cập về chính sách tài chính cho báo chí
Cập nhật ngày: 11/06/2024 10:44:42
ĐTO - Ngày 6/5/2023, Chiến lược “Chuyển đổi số (CĐS) báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được ban hành. Theo đó xác định: CĐS là sự thay đổi toàn diện từ mô hình tòa soạn, tổ chức bộ máy, quy trình sản xuất, phát triển nội dung, phương thức tác nghiệp, tiếp thị công chúng, quản lý dữ liệu, đến hoạt động lãnh đạo, quản lý báo chí thời kỳ số. Để thực hiện, ngoài quyết tâm chính trị của lãnh đạo cùng viên chức, người lao động thì yếu tố quan trọng là năng lực tài chính để đầu tư hạ tầng chuyển đổi. Nhưng, ngay giai đoạn triển khai quyết liệt CĐS, các cơ chế tài chính cho báo chí nảy sinh quá nhiều lúng túng, bất cập.
Hội thảo chuyển đổi số báo chí do Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp tổ chức (tháng 6/2023)
Lúng túng đầu tiên là việc phân biệt CĐS báo chí với Đề án số hóa trước đó. Từ những năm 2000, lĩnh vực phát thanh, truyền hình (PT-TH) đã chuyển đổi công nghệ ghi âm, ghi hình trên băng từ sang ghi bằng file, lưu thẻ nhớ. Đây là giai đoạn đầu số hóa quy trình sản xuất PT-TH. Từ năm 2014, triển khai Đề án số hóa của Chính phủ, tất cả các Đài chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số. Tháng 12/2020, Việt Nam chính thức ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất, sóng DVB-T2 phủ toàn quốc. Đài PT-TH tỉnh Đồng Tháp (THĐT) hoàn thành số hóa năm 2017.
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu: vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực toàn cầu. Từ chính sách này và từ sau đại dịch Covid-19, các cuộc hội thảo về CĐS đã diễn ra trên nhiều lĩnh vực: thông tin truyền thông, giáo dục, y tế, nông nghiệp... Trong 2 năm 2022, 2023, các cơ quan báo chí được tham dự nhiều cuộc hội thảo từ cấp bộ, ngành, khu vực, địa phương. Nhưng lúc đầu, khái niệm “Chuyển đổi số” (Digital Transformation) còn bị nhầm lẫn với “Số hóa” (Digitizing). Sau thời gian đầu lúng túng, các doanh nghiệp lĩnh vực này định vị rõ lại khái niệm, tư vấn quy trình, cách thức thực hiện, giúp hình dung rõ CĐS trong lĩnh vực báo chí là như thế nào.
Thời điểm triển khai chiến lược CĐS báo chí cũng vào cao điểm thực hiện tự chủ tài chính theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, trong đó có việc triển khai cơ chế đặt hàng theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP và thực thi Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ, thay thế Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Điều đáng nói là các cơ chế tài chính này đều nảy sinh hàng loạt bất cập.
Năm 2019, Nghị định 32/2019/NĐ-CP ban hành, quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ kinh phí chi thường xuyên. Năm 2020, Chính phủ ra Quyết định 1265/QĐ-TTg về Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (TT&TT). Trước đó, năm 2018, Bộ TT&TT ban hành Thông tư 03/2018/TT-BTTTT về định mức kinh tế kỹ thuật sản xuất chương trình truyền hình, sau đó là Thông tư 09/2020/TT-BTTTT về định mức kinh tế kỹ thuật sản xuất chương trình phát thanh, Quyết định 1265/QĐ-BTTTT về tiêu chí chất lượng sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực TT&TT đối với sản xuất, truyền dẫn, phát sóng chương trình PT-TH.
Năm 2021, Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập được ban hành, quy định 4 nhóm đơn vị tự chủ, trong đó các đơn vị nhóm I và nhóm II tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên theo lộ trình Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Đến tháng 9/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 56/2022/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghị định này. Trên cơ sở đó, các Đài PT-TH đã xây dựng phương án tự chủ tài chính theo giai đoạn và kế hoạch sử dụng tài sản công trong kinh doanh...
Thế nhưng, để thực hiện cơ chế đặt hàng, việc xây dựng định mức, danh mục, đơn giá làm cơ sở cho Nhà nước đặt hàng là câu chuyện đau đầu vì tính chất quá phức tạp trong công thức ra đơn giá. Do vậy, mặc dù đã có hiệu lực từ năm 2019, nhưng đến hết năm 2023, theo Cục Phát thanh - Truyền hình, chỉ có 17/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá sản xuất chương trình PT-TH. Không chỉ vậy, việc xác định danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (DVSNCSDNSNN) trong Nghị định 32/2019/NĐ-CP chưa được định nghĩa rõ ràng, dẫn đến việc chưa có cách hiểu thống nhất, nó có thể hiểu là danh mục các dịch vụ tuyên truyền, hay là danh mục theo thể loại chương trình, hay là tên cụ thể từng chương trình PT-TH.
Trong khi đó, tại Điều 37 Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục DVSNCSDNSNN thuộc về UBND cấp tỉnh đồng thời dẫn chiếu đến Điều 4 Nghị định này quy định thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục DVSNCSDNSNN và danh mục chi tiết DVSNCSDNSNN thuộc về Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Cùng trong Nghị định lại có 2 cơ quan cùng có thẩm quyền ban hành danh mục DVSNCSDNSNN, đã gây lúng túng trong việc trình ký, ban hành, sửa đổi danh mục DVSNCSDNSNN tại các địa phương.
Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp tác nghiệp (Ảnh: Tùng Thiện)
Sang năm 2024, vướng mắc mới phát sinh về thủ tục thanh quyết toán. Theo Nghị định 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; dự trữ Quốc gia; Kho bạc nhà nước, quy định xử phạt đối với hành vi ký hợp đồng trước khi có kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trừ các công ty xây dựng theo lệnh khẩn cấp). Đặc thù của ngành PT-TH, các chương trình tuyên truyền cho các sở, ngành được sản xuất định kỳ ngay từ đầu năm theo khung chương trình, nhưng một số đơn vị dự toán cấp II trực thuộc các sở chủ quản, thường được phân khai kinh phí trễ hơn so với kế hoạch sản xuất của Đài dẫn đến thủ tục thanh toán với kho bạc nhà nước vướng quy định trên.
Câu chuyện đặt hàng chưa tháo gỡ xong thì các Đài, đặc biệt là các đơn vị thuộc nhóm II (tự chủ 100% chi thường xuyên) đối diện với áp lực mới khi triển khai chiến lược CĐS Báo chí Quốc gia bởi hàng loạt tiêu chí buộc phải đầu tư kinh phí lớn. Nhưng lo nhất là thực hiện mục tiêu đến năm 2025: “Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%”. Đến năm 2030: “Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%”.
Lo là bởi hoạt động kinh tế của các Đài PT-TH cả nước đang gặp nhiều khó khăn; nguồn thu quảng cáo mỗi năm mỗi giảm. 2 năm 2023, 2024 đã ghi nhận tình trạng nợ nhuận bút thù lao hoặc cắt giảm định mức, chế độ ở hàng loạt Đài từ Trung ương đến địa phương. Bức tranh này được dự báo là còn tiếp diễn thời gian tới. Như vậy, nhìn từ góc độ dự báo chính sách, ngay năm đầu tiên ban hành Chiến lược CĐS báo chí, chỉ tiêu tăng doanh thu đã quá xa với thực tế. Các Đài thuộc nhóm I, nhóm II xoay sở với mục tiêu ổn định nguồn thu là đã vô cùng khó khăn, nói chi đến tăng thu tối thiểu 20%. Ngay cả chỉ tiêu tăng tối thiểu 20% vẫn chưa được hiểu rõ là con số phấn đấu của cả giai đoạn hay là của mỗi năm?
Việc cụ thể hóa nhiệm vụ CĐS giữa các cơ quan báo chí với địa phương, với Bộ ngành chủ quản cũng chưa đồng bộ. Năm 2020, khi chiến lược CĐS Quốc gia của Chính phủ ban hành, Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về chuyển đổi số; UBND tỉnh Đồng Tháp có Kế hoạch 59/KH-UBND. Theo đó, các ngành cũng xây dựng Kế hoạch thực hiện. Đối với các cơ quan báo chí còn phụ thuộc Quy hoạch, hướng dẫn chung của Bộ TT&TT. Mãi đến tháng 7/2022, Bộ TT&TT ban hành Quyết định 1360/QĐ-BTTTT và 1361/QĐ-BTTTT phê duyệt kế hoạch thúc đẩy, phát triển nền tảng số PT-TH Quốc gia. Tháng 5/2023, Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” mới phê duyệt. Nếu căn cứ lộ trình triển khai của tỉnh, các cơ quan báo chí xây dựng Kế hoạch trước chiến lược CĐS báo chí thì chưa có cơ sở về tiêu chí thực hiện.
Cuối năm 2023, Cục Báo chí lần đầu tiên công bố kết quả khảo sát, đánh giá mức độ trưởng thành CĐS báo chí toàn quốc năm 2023. Trong 339 cơ quan được khảo sát, chỉ có 3,66% đơn vị đạt mức xuất sắc; 8,06% đạt mức tốt; 13,19% đạt mức khá; 12,09% mức trung bình và trong 63% đơn vị yếu có Đài PT-TH Đồng Tháp. Sau khi Chính phủ và Bộ TT&TT ban hành các chiến lược về CĐS Báo chí, cuối năm 2023, các cơ quan báo chí chính thức ban hành kế hoạch. Nhưng về giải pháp tài chính để thực hiện kế hoạch này, quả thật đang làm các Đài nhóm II lúng túng.
Đài PT-TH Đồng Tháp cũng vậy, dù nhận thức rõ vai trò quyết tâm đổi mới của đội ngũ lãnh đạo quản lý, thế nhưng, trong xu thế nguồn thu giảm sâu, cái khó không thuộc vấn đề con người mà là từ cơ chế chính sách tài chính.
Trong bối cảnh thúc đẩy CĐS toàn diện, thiết nghĩ cần khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, bất cập về cơ chế chính sách, cụ thể là 2 Nghị định 32/2019/NĐ-CP và Nghị định 60/2021/NĐ-CP; là việc làm rõ chỉ tiêu tăng doanh thu trong Chiến lược CĐS Báo chí Quốc gia, đặc biệt là sự thấu hiểu, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chủ quản từ bộ ngành Trung ương đến địa phương.
NGỌC HẠNH