Góp phần đưa công nghệ số đến với người dân

Cập nhật ngày: 24/10/2024 10:53:27

http://baodongthap.com.vn/database/video/20241024105454dt2-7.mp3

 

ĐTO - Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) theo Nghị quyết số 04 ngày 31/12/2021 của Tỉnh ủy khóa XI về CĐS tỉnh Đồng Tháp, trong thời gian qua, UBND xã, phường, thị trấn trong tỉnh thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn, khóm, ấp và các Tổ thanh niên CĐS. Thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ thanh niên CĐS trên địa bàn tỉnh tuyên truyền về CĐS, hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, cài đặt các ứng dụng số, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong kinh doanh.


Tổ công nghệ số cộng đồng Ấp 5 và Tổ thanh niên chuyển đổi số xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng E-DongThap

Nâng cao ý thức người dân về chuyển đổi số

Toàn tỉnh hiện có 82 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn; 684 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp khóm, ấp và nhiều Tổ thanh niên CĐS xã, phường, thị trấn. Các Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ thanh niên CĐS với thành viên là các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương, trưởng khóm, ấp, trong đó, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã, phường, thị trấn đóng vai trò nòng cốt. Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ thanh niên CĐS tham gia CĐS tại địa phương trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CĐS; nội dung, mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy khóa XI về CĐS tỉnh Đồng Tháp nhằm nâng cao ý thức của người dân về công tác CĐS và tích cực tham gia.

Ngoài ra, các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ thanh niên CĐS trong tỉnh tổ chức các đợt ra quân, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng số như: E-DongThap, VNeID... Hàng tuần, các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ thanh niên CĐS tham gia trực tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND xã, phường, thị trấn hỗ trợ người dân thực hiện các thao tác như: đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ, thanh toán lệ phí trực tuyến để sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đặc biệt là hướng dẫn hộ kinh doanh cài đặt các app thanh toán không dùng tiền mặt trong mua bán, kinh doanh; hướng dẫn các hộ kinh doanh đăng ký đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Shopee, Lazada... Đồng thời thực hiện các mô hình CĐS như: tuyến đường CĐS; chợ 4.0; căn tin, điểm ăn uống không dùng tiền mặt gắn mã QR-code để thanh toán điện tử; cộng đồng dân cư số 4.0... góp phần thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong kinh doanh, mua bán.


Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng Phường 1, TP Sa Đéc hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Lan tỏa công nghệ số trên địa bàn

Tại TP Sa Đéc hiện có 25 Tổ công nghệ số cộng đồng ở khóm, ấp và các Tổ thanh niên CĐS. Các Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ thanh niên CĐS hướng dẫn người dân, cơ sở kinh doanh trên địa bàn về CĐS, cài đặt ứng dụng E-DongThap; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Trong 2 năm qua, các Tổ hỗ trợ trên 1.500 lượt cài đặt ứng dụng E-DongThap, 1.800 lượt cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, 800 lượt người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó, các Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ thanh niên CĐS trên địa bàn TP Sa Đéc thực hiện các mô hình CĐS.

Điển hình như mô hình tuyến đường công nghệ số tại rạch Ngã Am, khóm Tân An, phường An Hòa do Phường đoàn An Hòa thực hiện. Thực hiện tuyến đường công nghệ số, Phường đoàn An Hòa vận động duy trì điểm wifi cộng đồng, camera an ninh, tu sửa đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời trên tuyến đường với tổng kinh phí trên 20 triệu đồng; vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng và chăm sóc hoa trước nhà để làm đẹp tuyến đường. Ngoài ra, các Tổ công nghệ số cộng đồng còn thực hiện mô hình hỗ trợ trả kết quả xét hồ sơ khuyết tật và xét hưởng chế độ bảo trợ xã hội tại nhà; tuyến đường CĐS, căn tin - cửa hàng ăn uống không dùng tiền mặt... góp phần phát triển lĩnh vực xã hội số.

Anh Lê Phước Thịnh - Bí thư Phường đoàn, Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng Phường 1, TP Sa Đéc, cho biết: “Từ năm 2022 đến nay, các thành viên trong Tổ tích cực tham gia phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, nổi bật là hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng số, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; hướng dẫn hộ kinh doanh thực hiện chuyển đổi số thông qua việc tham gia các sàn thương mại điện tử; phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn phường triển khai cài đặt ví điện tử cho người dân nhằm thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong kinh doanh.

Đến nay, có hơn 240 lượt hộ kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; trên 368 hộ kinh doanh tại các tuyến đường chính ở Phường 1 gồm: Hùng Vương, Nguyễn Sinh Sắc, Trần Hưng Đạo đăng ký thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Thông qua hoạt động của Tổ, giúp người dân tiếp cận với các nền tảng số, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, qua đó góp phần lan tỏa tiến trình CĐS trên địa bàn”.

Còn tại huyện Tháp Mười đang phát huy hiệu quả 62 Tổ công nghệ số cộng đồng khóm, ấp; 13 Tổ CĐS, 13 Tổ thanh niên CĐS tại các xã, thị trấn. Các thành viên Tổ CĐS, Tổ thanh niên CĐS và Tổ công nghệ số cộng đồng phát huy vai trò, tích cực tham gia công tác CĐS trên địa bàn huyện. Chị Trương Thị Như Ý - Bí thư Thị trấn đoàn, Tổ trưởng Tổ thanh niên CĐS thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, cho biết: “Nhằm góp phần lan tỏa công nghệ số trên địa bàn, hiện nay, các thành viên Tổ thanh niên CĐS thị trấn và 4 Tổ công nghệ số cộng đồng tại 4 khóm trên địa bàn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng E-Dong Thap, sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại nhà thông qua ứng dụng VNeID. Triển khai chi trả tiền qua thẻ cho đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội. Đặc biệt là mô hình chợ 4.0 tại chợ Tháp Mười thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện ích, thu hút nhiều hộ tiểu thương tham gia, góp phần đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong kinh doanh”. Bà Hà Ngọc Dung (SN 1967) kinh doanh thuốc tây tại chợ Tháp Mười, chia sẻ: “Hiện nay, người dân đến mua thuốc có nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt. Được địa phương hướng dẫn, tôi cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt và dán mã QR-code để khách hàng quét mã thanh toán khi đến mua thuốc. Từ đó, giúp tôi thuận lợi hơn trong mua bán, khách hàng cũng đỡ tốn thời gian”.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, từ đầu năm 2024 đến nay, các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ thanh niên CĐS trong tỉnh hướng dẫn trên 24.500 lượt người dân cài đặt ứng dụng E-DongThap, trên 34.500 lượt cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, hơn 43.000 lượt người dân làm hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ 950 lượt sản phẩm đưa lên các sàn thương mại điện tử... Cùng với đó, thực hiện 24 tuyến đường CĐS; 21 chợ 4.0; duy trì mô hình Ngày thứ Bảy tình nguyện hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính và sử dụng dịch vụ công trực tuyến... Qua đó, phát huy nhiều kết quả tích cực, góp phần đưa công nghệ số đến với từng người dân. Trong thời gian tới, UBND xã, phường, thị trấn trong tỉnh sẽ tiếp tục duy trì, nâng chất lượng hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ thanh niên CĐS, đồng thời định hướng hoạt động, hỗ trợ các thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ thanh niên CĐS được tham gia các lớp tập huấn do tỉnh tổ chức, góp phần thực hiện tốt công tác CĐS trên địa bàn.

Mỹ Xuyên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn